Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện liên thông 11 thủ tục hành chính từ 14/12

20:56' - 14/12/2017
BNEWS Quy trình liên thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường là quy trình tự nguyện, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thực hiện (hoặc không thực hiện).

Ngày 14/12, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 3199/QĐ-BTN, ban hành Quy trình thí điểm liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Quyết định này, từ ngày 14/12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện liên thông đối với 11 thủ tục hành chính thuộc 3 lĩnh vực: Môi trường (3 thủ tục); Tài nguyên nước (2 thủ tục); Biển và hải đảo (6 thủ tục) và liên thông bằng 9 quy trình giải quyết thủ tục hành chính cụ thể.
Quy trình liên thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường là quy trình tự nguyện, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thực hiện (hoặc không thực hiện).

Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ của các thủ tục hành chính khác nhau tại bộ phận một cửa của Bộ, hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hình thức trực tuyến thì sẽ được Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt một lần (một hội đồng thẩm định duy nhất, một đoàn kiểm tra thực địa duy nhất) và trả một lúc các kết quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc thực hiện Quy trình liên thông mới sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí tuân thủ; giảm rủi ro và gia tăng chi phí cơ hội trong đầu tư, kinh doanh, cụ thể doanh nghiệp có thể rút ngắn trung bình 54% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, một số trường hợp thời gian có thể rút ngắn lên đến khoảng 2/3, tương đương trên 60% thời gian.
Doanh nghiệp có thể tiết kiệm trung bình 30% chi phí tuân thủ, một số trường hợp có thể tiết kiệm lên đến 60% chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cũng được hưởng những lợi ích tương ứng, khi triển khai thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính.
Căn cứ vào tình hình, kết quả triển khai thí điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ mở rộng liên thông thêm các thủ tục hành chính khác trong thời gian tới; đồng thời pháp lý hóa việc liên thông thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật, để các địa phương triển khai liên thông thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước./.

>> Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục