Giảm thuế nhập khẩu ethanol: Cần các chính sách đồng bộ đi kèm để đạt hiệu quả cao nhất

18:50' - 02/04/2025
BNEWS Thị trường xăng sinh học tại Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động nhiều mặt khi giảm thuế nhập khẩu ethanol nên rất cần có các chính sách đồng bộ đi kèm để đạt hiệu quả cao nhất.
Với việc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ethanol được giảm từ 10% xuống 5% theo tinh thần Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/5/2025 của Chính phủ, thị trường xăng sinh học tại Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động nhiều mặt nên rất cần có các chính sách đồng bộ đi kèm để đạt hiệu quả cao nhất.

*Nhiều tác động tích cực

Đại diện doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam và cũng là doanh nghiệp trực tiếp pha trộn chế biến xăng sinh học E5RON92, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, xăng E5 hiện nay đang tiêu thụ tại thị trường trong nước gồm 95% xăng khoáng không chì RON92 và 5% ethanol nhiên liệu (E100). Do vậy, việc giảm thuế nhập khẩu ethanol từ 10% xuống 5% sẽ giúp doanh nghiệp phối trộn tiết kiệm chi phí. Theo tính toán, nếu giá ethanol nhập khẩu giảm, giá thành mỗi lít xăng E5RON92 có thể giảm từ 50-150 đồng/lít tùy quy mô nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc giảm giá nhập khẩu ethanol cũng giúp gia tăng cạnh tranh và khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học E5. Hiện chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng khoáng RON95 đang ở mức thấp (khoảng 300–400 đồng/lít), chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Nếu giá xăng sinh học giảm nhờ giá ethanol đầu vào rẻ hơn, E5RON92 có thể rẻ hơn RON95 tới 500–700 đồng/lít, từ đó thu hút người dùng hơn.

"Ngoài ra, việc giảm giá sẽ thúc đẩy tiêu dùng xăng E5, phù hợp với định hướng giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo", Chủ tịch Cao Hoài Dương cho biết.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, năm 2025, sản lượng E5RON92 của Petrolimex dự kiến đạt khoảng 60.000-70.000 m3/tháng. Với tỷ trọng ethanol đầu vào để pha chế xăng E5RON92 của Petrolimex có khoảng 60% từ nguồn mua từ nhà máy trong nước và khoảng 40% nhập khẩu, việc giảm thuế nhập khẩu ethanol sẽ làm giảm giá mua nhiên liệu đầu vào này, từ đó gián tiếp giảm giá bán E5RON92.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu cồn sinh học ethanol sẽ tác động tốt với các đơn vị sản xuất phối trộn xăng E5RON92 như PVOIL hay Petrolimex. Hiện việc nhập khẩu ethanol chủ yếu từ hai quốc gia có giá cạnh tranh là Mỹ và Brazil nên việc giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu đầu vào này cũng góp phần giảm giá thành sản xuất xăng sinh học E5RON92, dù tỷ lệ pha chế ethanol trong xăng E5RON92 vẫn ở con số khiêm tốn 5%. Việc giảm giá ethanol nhập khẩu sẽ được cơ quan chức năng tính toán và cập nhật vào công thức giá xăng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

*Tăng áp lực cạnh tranh với sản xuất trong nước

Theo Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương, việc giảm thuế nhập khẩu tạo điều kiện cho ethanol nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước vốn đang có giá thành cao hơn do chi phí sản xuất lớn. Với việc gia tăng áp lực cạnh tranh như vậy, các nhà máy sản xuất ethanol trong nước (như Đak Tô, Bình Phước...) có thể gặp khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động nếu không có chính sách phù hợp để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

“Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào ethanol nhập khẩu cũng sẽ khiến an ninh năng lượng bị ảnh hưởng nếu chuỗi cung ứng bên ngoài bị gián đoạn”, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cảnh báo.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết, hiện tại, sản xuất ethanol ở trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu, còn lại 30% vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, cho dù việc giảm thuế nhập khẩu ethanol sẽ khiến sản xuất ethanol ở trong nước phải cạnh tranh nhiều hơn nhưng đây là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập nên các doanh nghiệp sản xuất ethanol ở trong nước buộc phải chấp nhận và phải có giải pháp để hạ giá thành sản xuất.

*Kiên định lộ trình xăng sinh học

Tại Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với xăng không chì truyền thống đã được quy định. Cụ thể, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 (phối trộn từ 4-5% cồn sinh học) được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2015, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. Từ ngày 1/12/2016, xăng E10 (phối trộn từ 9-10% cồn sinh học) được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2017, xăng E10 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc.

Tuy nhiên trên thực tế, tại thời điểm tháng 3/2025, toàn quốc vẫn chỉ mới dừng lại ở việc phối trộn và tiêu thụ xăng E5RON92. Thậm chí tại thời điểm hiện nay, việc tiêu thụ xăng E5RON92 vẫn tiếp tục sụt giảm và một số cây xăng tư nhân còn không bán E5RON92 do nhu cầu tiêu thụ thấp trong khi việc tồn chứa loại xăng này ở một số vùng ngập nước có thể khiến chất lượng xăng không đảm bảo.

Báo cáo thường niên của PVOIL năm 2024 cho thấy, doanh nghiệp này đã nỗ lực sản xuất phối trộn 643 nghìn m3 xăng sinh học E5RON92, tăng 10% so với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, sản lượng phối trộn này chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2023. Nguyên nhân được chỉ ra là do biên lợi nhuận lọc dầu giảm sâu, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm đã khiến hoạt động sản xuất, pha chế xăng dầu không còn hiệu quả. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ xăng E5 trên thị trường ngày càng giảm sút khiến PVOIL phải cân nhắc giữa việc gia tăng sản lượng và hiệu quả sản xuất, pha chế.

Tương tự như vậy, đại diện Petrolimex cũng cho biết, sản lượng kinh doanh E5RON92 hiện đang suy giảm do nhu cầu tiêu thụ của xã hội giảm. Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu ethanol nếu không đi kèm các giải pháp khác đồng bộ thì cũng sẽ không làm tăng được nhu cầu tiêu thụ E5RON92.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học, đại diện Petrolimex cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, các nhà khoa học đẩy mạnh tuyên truyền, quảng cáo, lượng hóa về giảm phát thải thông qua sử dụng xăng sinh học E5/E10. Bên cạnh đó, các Hiệp hội sản xuất ô tô, xe máy cần tuyên truyền về việc sử dụng xăng sinh học E5 và E10 không ảnh hưởng chất lượng nhiên liệu và động cơ. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, Chính phủ cũng cần sớm thống nhất áp dụng việc sửu dụng xăng E5 hoặc E10 cho tất cả các mặt hàng xăng thay vì áp dụng đơn lẻ phối trộn với xăng khoáng RON92 như hiện nay. Ngoài ra, việc thực thi các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT cho xăng sinh học cũng là giải pháp quan trọng để người tiêu dùng hưởng lợi cùng với mục đích giảm phát thải của Chính phủ.

Bổ sung các đề xuất, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, lộ trình áp dụng xăng E5RON92 khi triển khai trên toàn quốc thực tế vào ngày 15/12/2017 vẫn mang tính thử nghiệm. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ phối trộn xăng RON92 với 5-10% cồn sinh học ethanol và đây là loại xăng mà đa phần chỉ có các phương tiện giao thông như xe máy hoặc xe taxi cũ sử dụng. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam là hướng đến sản phẩm có chất lượng cao hơn, ngay cả các khách hàng đi xe máy đắt tiền cũng thích mua xăng RON95 thay vì xăng E5RON92. Vì vậy, sản lượng xăng E5RON92 tiêu thụ sụt giảm chủ yếu do thị hiếu người tiêu dùng, không liên quan đến chất lượng sản phẩm E5RON92.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng xăng sinh học khi các cây xăng không bán xăng khoáng, thay vào đó là xăng sinh học với phẩm cấp cao hơn, ví dụ như phối trộn với xăng RON95 thành các sản phẩm E5RON95 hoặc E10RON95, thậm chí là E10RON97 như một số nước đang áp dụng. Khi đó, việc tiêu thụ xăng sinh học sẽ được thúc đẩy thực sự, giúp giảm phát thải ra môi trường, góp phần hiện thực hoá cam kết của Chính phủ trong việc đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Ngoài ra việc tăng nhu cầu tiêu thụ xăng sinh học E5, E10 phẩm cấp cao hơn cũng sẽ thúc đẩy việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất ethanol tại Việt Nam, từ đó tăng sức cạnh tranh cao hơn với sản phẩm ngoại nhập.

“Vì vậy, quyết định giảm thuế nhập khẩu ethanol chỉ là một động lực, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc kiên định thực hiện lộ trình xăng sinh học theo Quyết định số 53/QĐ-TTg đã đề ra", Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục