Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Liên quan đến BOT không thể nóng mãi được”

22:22' - 02/01/2018
BNEWS Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, không thể để cho vấn đề BOT nói mãi được
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo nhiều nội dung quan trong tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam diễn ra chiều 2/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến nhiều vấn đề quan trọng mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phải giải quyết trong thời gian tới; trong đó có vấn đề xe quá tải, vấn đề an toàn giao thông; đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định: “Không thể để tình trạng liên quan đến BOT nóng mãi được”.

*Xe quá tải có xu hướng tăng trở lại

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết, năm qua Tổng cục đã hoàn thành công tác quản lý, bảo trì theo kế hoạch với 148 tuyến quốc lộ, gồm 20.733 km, 6.206 cầu, 10 bến phà, hầm và 2 cầu phao, bảo đảm an toàn, thông suốt. Đồng thời tổ chức đàm phán hợp đồng cung cấp dịch vụ thu giá sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với 27 trạm thu giá thuộc các dự án trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, tình hình xe quá tải đang có xu hướng tăng trở lại tại một số địa phương. Nguyên nhân do một số địa phương xếp sắp lại lực lượng tại trạm tuần tra kiểm soát tải trọng xe lưu động; lực lượng cảnh sát giao thông rút không phối hợp tại các trạm, do đó hoạt động của các Trạm kém hiệu quả; chính quyền các địa phương đã vào cuộc nhưng thiếu quyết liệt, chưa thực sự gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo kiểm soát xe quá tải; công tác kiểm soát xe quá tải lưu thông trên đường chưa tốt, việc kiểm soát xe quá tải tại đầu mối nguồn hàng chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tình trạng bến cóc, xe dù còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Một số Sở Giao thông Vận tải chưa tích cực vào cuộc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; số vụ vi phạm còn nhiều, sự phối hợp giữa các Cục Quản lý đường bộ với các Sở Giao thông Vận tải thực hiện chưa hiệu quả. Điều này cũng dẫn tới việc hệ thống quốc lộ còn khoảng 7.678 km đã quá thời hạn khai thác nhưng chưa được sửa chữa định kỳ do nguồn vốn còn thiếu; 856 cầu xây dựng trước năm 1975 hoặc khi bàn giao từ đường tỉnh không có hồ sơ thiết kế hoàn công cần kiểm định sửa chữa, đánh giá lại năng lực chịu tải; khoảng 380 cầu yếu hoặc hẹp.

Phó Tổng cục đường Nguyễn Xuân Cường cũng thông tin thêm, hiện nay trên hệ thống quốc lộ còn 230 điểm đen và 550 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông...

* “Chưa có con đường nào thấy hài lòng”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn phê bình lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vì báo cáo tổng kết còn chung chung.

“Tôi không hài lòng với việc Tổng cục Đường bộ đánh giá trong báo cáo ngày hôm nay. Nếu báo cáo thế, mọi người nhìn vào sẽ thấy chúng ta không làm gì. Thực tế chúng ta quản lý 23.000 km quốc lộ, mỗi năm phải đại tu khoảng 2.300 km đường, nên có những đoạn 10 năm mới quay vòng lại. Trong khi đường nhựa cứ 3-4 năm phải tráng nhựa lại, 10-12 năm phải đại tu một lần. Vì không có tiền, nên hệ thống giao thông của chúng ta ngày càng xuống cấp nghiêm trọng”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Với những khó khăn trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Để giải quyết vấn đề này, con đường nào xuống cấp phải sửa chữa ngay. Nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ làm một con đường mới, số người được hưởng thụ còn ít thì thay vào đó nếu chúng ta bỏ ra vài chục tỷ sửa chữa đường của dân đang bị xuống cấp thì họ sẽ rất mừng. Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi làm tôi hài lòng”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề áp dụng khoa học công nghệ mới vào việc sửa chữa đường và lắp đặt camera giám sát trên các trục đường quốc lộ, bến xe.

Bộ trưởng nói: “Công tác vận tải xe dù, bến cóc, tranh giành khách... hiện vẫn vô cùng phức tạp. Trong nhiều năm chúng ta tập trung công sức nhưng chưa đạt yêu cầu so với các bước trong khu vực. Tại sao chúng ta có thể bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ để làm đường mà không thể bỏ ra vài tỷ để lắp camera giám sát quanh khu vực bến xe, hay cầu đường phức tạp?"

Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải dẫn chứng, nếu lắp camera tại khu vực cầu đường, chẳng may gặp bão lũ, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề từ xa và tìm ra hướng giải quyết sớm. Kể cả việc giám sát “bến cóc xe dù”.

“Riêng vấn đề Uber, Grab, Tổng cục Đường bộ phải tham mưa cho Bộ để ban hành các quyết sách quản lý cho đúng. Như Uber báo lỗ hàng nghìn tỷ, vậy họ có lỗ thật không hay trốn thuế? Nếu cứ để hiện tượng này, thì làm sao có cạnh tranh công bằng với các loại taxi khác, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Một vấn đề “nóng” khác cũng được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị là về các dự án BOT. Bộ trưởng đánh giá: “BOT trong thời gian qua nóng.

Chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa? Ngay như việc thu phí tự động, cần nhanh lên vì nó đảm bảo tính công bằng. Muốn thu phí tự động, cơ quan quản lý nhìn thấy, người dân cũng có thể tham gia giám sát bằng cách xem trên hệ thống. Vậy tại sao chúng ta không làm? Thu phí thủ công tốn nhiều công sức, có nghi ngờ gian lận, nhưng chúng ta vẫn cứ triển khai là không được.

Tôi giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với tài chính, ban quản lý phải quyết toán dự án BOT. Các dự án đã thu tiền mà chưa quyết toán, 1 năm nữa mà không quyết toán thì không cho thu phí nữa.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng phải tạo điều kiện cho các đơn vị khác vào đầu tư hệ thống thu phí không dừng, để tránh độc quyền. Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành thông tư xe đi qua trạm (xe dán thẻ Etag) mà không có tiền sẽ bị phạt cao có thể gấp 10 lần".

“Để BOT giảm nóng phải quyết toán xong và thu phí tự động. Năm 2018 không xong là các anh phải chịu trách nhiệm với người dân, không thể để nóng như vậy kéo dài mãi được”, người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục