Các ngân hàng lớn của Mỹ hy vọng "dễ thở" hơn thời gian tới

14:27' - 13/12/2016
BNEWS Sau tám năm liên tục bị "săm soi" và phải mất hàng tỷ USD cho việc dàn xếp những vướng mắc về pháp lý, ngành ngân hàng Mỹ có thể bất ngờ có được môi trường chính trị thân thiện hơn trong năm tới.

Trước ngày 8/11, Phố Wall đã chuẩn bị cho khả năng ứng viên của đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà theo đó những người như Thượng nghị sỹ bang Massachusetts, bà Elizabeth Warren - người kêu gọi việc chia tách các ngân hàng lớn và bỏ tù các giám đốc điều hành sau cuộc khủng hoảng tài chính - sẽ có tiếng nói lớn hơn.

Tuy nhiên, việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống đã làm tăng khả năng thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định, trong đó có Đạo luật 2010 Dodd-Frank trong lĩnh vực ngân hàng đã được thông qua trước đó để đối phó với khủng hoảng.

Trong một hội thảo dịch vụ tài chính vừa qua, Giám đốc điều hành Blackstone Group, Stephen Schwarzman cho rằng sẽ có sự thay đổi rất đáng kể đối với nhiều loại quy định và nhà tài trợ chính cho đảng Cộng hòa. Là người được ông Trump chọn là Chủ tịch một Hội đồng tư vấn (bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật), ông Schwarzman phát biểu rằng cuộc bầu cử sẽ đưa đến một cuộc cách mạng về pháp lý lớn nhất trong 45 năm ông làm việc trong ngành tài chính.

Những lựa chọn của ông Trump cho các vị trí trong chính phủ càng làm tăng khả năng rằng sự lãnh đạo của ông sẽ có lợi các ngân hàng lớn. Ông Trump đã chỉ định Chủ tịch Goldman Sachs, Gary Cohn là người đứng đầu Hội đồng kinh tế quốc gia và là vị lãnh đạo thứ ba của ngân hàng đầu tư có uy tín ở New York được Tổng thống đắc cử chọn vào chính quyền. Hai người được lựa chọn trước đó là ông Steven Mnuchin được chỉ định giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính và ông Steve Bannon được chọn làm cố vấn chiến lược của Nhà Trắng.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump cam kết hủy bỏ dần Đạo luật Dodd-Frank, với những điều khoản chính đề ra các quy định khắt khe về tiền vốn đối với các ngân hàng, việc thành lập Ban bảo vệ tài chính tiêu dùng và quy tắc Volcker về việc hạn chế các ngân hàng lớn trong việc thực hiện các vụ đầu tư sinh lợi cao nhưng không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Ngay sau khi được chọn là Bộ trưởng Tài chính, ông Mnuchin tuần trước đã có phát biểu nhằm vào Đạo luật Dodd-Frank, cho rằng vấn đề số một đối với quy tắc Volcker là nó quá phức tạp và khó hiểu và cho biết sẽ phải xử lý vấn đề này.

Tại hội thảo, các ngân hàng lớn khá lạc quan về việc triển vọng nới lỏng quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục