Cái bắt tay chủ động giữa lãnh đạo hai cường quốc kinh tế Đức-Mỹ
Một cuộc gặp chớp nhoáng chỉ kéo dài khoảng 40 phút giữa nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới Donald Trump và nữ chính trị gia dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu Angela Merkel không phải là sự kiện được dư luận quá kỳ vọng về một bước đột phá, bởi sự khác biệt quá rõ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức trong nhiều vấn đề then chốt, nhất là trong lĩnh vực thương mại và bảo vệ Trái Đất trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Cuộc gặp diễn ra chiều tối 6/7 ngay khi ông Trump tới Hamburg để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Nội dung cuộc gặp chỉ được người phát ngôn của bà Merkel tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một số chủ đề của hội nghị G20, bên cạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Trung Đông và cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn kênh ARD sau cuộc gặp này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, người cũng tham gia cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, thừa nhận hai bên còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực thương mại và chống biến đổi khí hậu, trong khi quan điểm hai bên về một số chính sách đối ngoại đã xích lại gần nhau hơn.
Kết quả này không phải là quá bất ngờ và cũng là điều đã được bà Merkel lường trước.
Ngay trước thềm cuộc gặp, bà Merkel đã thể hiện thái độ kiên quyết khi tái khẳng định chính sách của Đức về một nền thương mại tự do, công bằng, hướng tới những động lực mới cho toàn cầu hóa và định hình một thế giới kết nối.
Trước đó, bà Merkel cũng đã khẳng định trên một số tờ báo lớn ở Đức rằng thương mại toàn cầu là "sân chơi" cho tất cả các bên cùng hưởng lợi, chứ không phải "một vũ đài để có kẻ thắng, người thua" như cách tiếp cận của chính quyền Mỹ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng cam kết cùng các nước khác theo đuổi thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khẳng định sẽ là sai lầm nếu ai đó tin rằng họ có thể giải quyết các thách thức của thế giới hiện nay bằng chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ.
Bà cũng nhấn mạnh trong khi Chính phủ Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris thì nhiều công ty và địa phương ở Mỹ cũng như nhiều nước khác vẫn cam kết tuân thủ hiệp định này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng để ngỏ khả năng thuyết phục Mỹ xem xét lại các chính sách của nước này, dù khẳng định sẽ không phải là việc dễ dàng.
Thực tế, các vấn đề liên quan tới thương mại và chống biến đổi khí hậu thực sự là những "điểm tối" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương từ khi ông Trump nhậm chức.
Chuyến công du hồi tháng 3 vừa qua của bà Merkel tới Mỹ cũng không đạt được kết quả rõ ràng trong những vấn đề này. Thậm chí, sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump tới châu Âu hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Merkel còn cho rằng Đức sẽ không dựa vào Mỹ để định hướng các vấn đề quan trọng của thế giới nữa mà sẽ phải "đi trên chính đôi chân" của mình.
Phát biểu này của bà Merkel phần nhiều liên quan tới mối quan hệ an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương khi tại Brussels, ông Trump không hề đả động đến Điều 5 Hiệp ước phòng thủ tương hỗ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Có lẽ vì những điều này mà nhà lãnh đạo Mỹ, khi thăm Ba Lan trước khi tới Đức, đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời khẳng định cam kết phòng thủ chung với NATO, song cũng nhắc lại yêu cầu các nước châu Âu cần tăng cường đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng để "bảo vệ chính mình".
Tuyên bố này được xem là sự thay đổi giọng điệu đáng kể của Tổng thống Trump, người từng làm các đồng minh thất vọng trong các phát biểu trước đây.
Những khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Đức, Mỹ còn thể hiện qua việc Tổng thống Trump không những chỉ trích chính sách mở cửa để người tị nạn ồ ạt đổ vào Đức mà còn nhiều lần phê phán việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu này để thặng dư thương mại quá lớn giữa hai nước.
Mối quan hệ với Mỹ từng được xem là trụ cột và hòn đá tảng cho các mối quan hệ quốc tế của Đức nhiều năm qua, song giờ đây có lẽ mọi việc sẽ thay đổi. Trong cương lĩnh tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới ở Đức, liên đảng bảo thủ của bà Merkel dường như không còn dùng những từ ngữ thân mật như "bạn bè" hay "tình hữu nghị" khi mô tả mối quan hệ với Mỹ.
Cách đây 4 năm, thỏa thuận liên minh giữa hai đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã gọi Mỹ là "người bạn quan trọng nhất" của Đức ngoài châu Âu, đồng thời đề cập đến việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương thông qua xóa bỏ các rào cản thương mại.
Tuy nhiên, sau khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, những mỹ từ trên đã không còn được liên đảng cầm quyền dùng tới nữa, thay vào đó, trục Đức-Pháp mới là "động lực thúc đẩy châu Âu" thông qua các cam kết cải cách tham vọng của châu lục.
Với những khác biệt khá rõ như vậy, Thủ tướng Merkel từng nhận định hội nghị thượng đỉnh G20 lần này có thể sẽ không suôn sẻ và bà cũng sẽ không quá bất ngờ nếu kết quả không như mong đợi.
Có thể xem hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là hội nghị căng thẳng nhất từ trước tới nay và giới quan sát không mấy lạc quan về kết quả đạt được tại Hamburg.
Báo chí Đức thậm chí gọi đây là hội nghị thượng đỉnh G19+1 (G20), giống với cách gọi hội nghị thượng đỉnh G6+1 (G7) vừa qua diễn ra trên đảo Sicily của Italy để nói về sự khác biệt của Mỹ với các nước tham gia còn lại.
Trong bối cảnh nước Đức đang tiến gần tới ngày bầu cử Quốc hội Liên bang, sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với sức ép dư luận ngày càng lớn, yêu cầu bà phải có thái độ cứng rắn hơn đối với các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Khi bà Merkel tới thăm Washington hơn 3 tháng trước, báo giới đã tốn khá nhiều giấy mực để bình luận về lý do Tổng thống Trump "làm thinh" không bắt tay nhà lãnh đạo Đức khi được các phóng viên đề nghị.
Lần này tại Hamburg, vị nữ Thủ tướng nước chủ nhà đã chủ động giơ tay bắt trước và vụ việc này được truyền thông Đức nêu lại, coi đây là hành động mang tính biểu tượng cho chính sách mở cửa của Thủ tướng Merkel, sẵn sàng thảo luận với nhà lãnh đạo Mỹ về mọi bất đồng.
Nước Mỹ hùng mạnh có trở lại trên bình diện quốc tế hay không phụ thuộc nhiều vào những quyết định của Tổng thống Trump tại các hội nghị quan trọng như G20 ở Hamburg.
>>>Hội nghị thượng đỉnh G20: Lãnh đạo IMF, WB, WTO kêu gọi nỗ lực khôi phục thương mại
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị thượng đỉnh G20: Nhật Bản, Hàn Quốc thảo luận về vấn đề "phụ nữ mua vui"
16:53' - 07/07/2017
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, ngày 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thảo luận về vấn đề "phụ nữ mua vui".
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị thượng đỉnh G20: Đụng độ tại Hamburg
15:49' - 07/07/2017
Ngày 7/7, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị thượng đỉnh G20: Lãnh đạo IMF, WB, WTO kêu gọi nỗ lực khôi phục thương mại
10:33' - 07/07/2017
Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 6/7 đã kêu gọi các nền kinh tế thành viên hành động để khôi phục thương mại.
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị thượng đỉnh G20: Australia, Đức thúc đẩy cơ hội hợp tác mới
09:52' - 07/07/2017
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh một loạt cam kết như hệ thống thương mại cởi mở và dựa trên luật lệ.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
"Mê cung" nhãn thực phẩm tại châu Âu
15:58'
Ngày 25/11, các kiểm toán viên EU cho biết người tiêu dùng mua sắm thực phẩm ở châu Âu đang đối mặt với nguy cơ "bị lừa" do sự gia tăng các nhãn mác thực phẩm gây nhầm lẫn và đôi khi là sai lệch.
-
Kinh tế Thế giới
AFP dự báo 5 sự kiện thế giới nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025
15:45'
Theo bình chọn từ hãng tin AFP, dưới đây là 5 sự kiện nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025, trong đó có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Thế giới 2024 đầy biến động qua lăng kính của AFP
15:45'
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện quan trọng trên toàn cầu. Dưới đây là những dấu ấn không thể quên trong năm 2024 do hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn.
-
Kinh tế Thế giới
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu
15:29'
OPEC+ đang cân nhắc duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu hiện tại từ ngày 1/1/2025. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 1/12.
-
Kinh tế Thế giới
California cân nhắc loại Tesla khỏi chương trình ưu đãi thuế xe điện mới
13:09'
Thống đốc California cho biết nếu ông Trump loại bỏ ưu đãi thuế liên bang cho xe điện, ông sẽ đề xuất một phiên bản mới cho Chương trình Hoàn tiền cho xe không phát thải của bang California.
-
Kinh tế Thế giới
Triều Tiên tháo dỡ đường dây điện khu công nghiệp liên Triều
11:23'
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã tháo dỡ đường dây cung cấp điện cho khu công nghiệp chung đã đóng cửa tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên.
-
Kinh tế Thế giới
Giới doanh nghiệp Mỹ bớt lo âu sau đề cử Bộ trưởng Tài chính
09:59'
Theo CNN ngày 25/11, giới doanh nghiệp Mỹ thở phào sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra đề cử Bộ trưởng Tài chính.
-
Kinh tế Thế giới
Kênh đào Suez thất thu do bất ổn tại Trung Đông kéo dài
08:20'
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cho biết quốc gia Bắc Phi này đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ Kênh đào Suez giảm mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Thái Lan tiếp tục giảm mạnh sản lượng
18:05' - 25/11/2024
Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu ô tô chở khách và xe tải trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2021 khi cả doanh số bán trong nước và xuất khẩu đều giảm.