Cải cách bộ máy hành chính nhà nước: Từ chủ trương đến hiện thực hóa

07:50' - 25/12/2017
BNEWS Trong 17 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, số số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thuộc tổng cục...vẫn tiếp tục tăng cao.

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Cũng phải nói rằng không phải đến giờ vấn đề này mới được đặt ra. Từ nhìn nhận thực trạng tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; phương thức quản lý hành chính vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán, chưa thông suốt; chưa có những cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công…

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 đã đặt ra mục tiêu các cơ quan trong hệ thống hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; chuyển được một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện. Bộ máy của các bộ được điều chỉnh về cơ cấu trên cơ sở phân biệt rõ chức năng, phương thức hoạt động của các bộ phận tham mưu, thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công…

Song, nhìn lại 17 năm thực hiện Chương trình tổng thể trên, người ta thấy những con số giật mình: Chỉ trong 5 năm 2011-2016, đã tăng 28 đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, 822 đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các vụ, cục, phòng tăng từ 4,7% đến 13,6% so với năm 2011. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, kéo theo sự tăng lên của 180 đơn vị cấp phòng trong cục.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng đề cập tại Hội thảo cải cách chính sách tiền lương mới đây rằng chúng ta có những vấn đề trong hệ thống làm cho bộ máy chưa phát huy được. Có những người còn bảo thủ, vẫn muốn Nhà nước nắm giữ nhiều công việc và chưa tin ở thị trường, chưa tin ở xã hội.

Thói quen bao cấp, bao biện trong mọi công việc của bộ máy, của công chức ở nhiều nơi vẫn còn, trong đó có nhiều công việc cụ thể về quản trị, điều hành mà một số cán bộ vẫn muốn nắm giữ lấy để làm. Phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều bất hợp lý, chồng chéo, trùng lặp nên thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình. Vì thiếu minh bạch nên không biết khâu nào là thừa, khâu nào là thiếu để làm cho thật tốt việc sắp xếp lại bộ máy.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá tổ chức bộ máy đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; tổ chức và biên chế ngày càng phình to.

Nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi. Hai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống, tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương dứt khoát cho vấn đề này.

Động lệnh đã được Trung ương phát ra, thúc đẩy mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải chuyển động, tự đổi mới. Điều đáng mừng là trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xắn tay vào xây dựng và thực hiện kế hoạch tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Điển hình là Quảng Ninh, với việc thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” từ năm 2014 đến nay đã tinh giản biên chế 499 trường hợp. Số giảm do chuyển đổi mô hình không hưởng lương từ ngân sách là 712 trường hợp và số giảm do giao thấp hơn định mức biên chế là 686 biên chế; thực hiện giao biên chế thấp hơn 16,6% so với định mức Trung ương giao đối giáo dục, y tế.

Địa phương này cũng thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, 75/186 xã; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/14 huyện, 76/186 xã; sắp xếp giảm 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, đơn vị, đầu mối. Có 12/14 huyện thực hiện Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện dùng chung bộ phận tài chính, phục vụ cho các Ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu thực hiện sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, mặc dù biên chế chưa giảm nhưng chỉ sau một năm thực hiện sắp xếp lại khu vực này (từ 2015 – 2016), số chi thường xuyên của hai địa phương đã giảm trên dưới 5%.

Bộ Y tế mới đây cũng đã thông tin thời gian tới sẽ chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thay vì 82 đơn vị như hiện nay. Ở tuyến huyện, có 202/420 đơn vị tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện thành Trung tâm y tế huyện.

Theo tính toán, nếu hợp nhất 420 Trung tâm y tế huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo 840 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ giảm 120.960 tỷ đồng/năm. Đồng thời sẽ giảm được khoảng 10.900 người làm hành chính, ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm.

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, các phòng trong vụ, cục trực thuộc Bộ đã được sắp xếp, thu gọn từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.

Từ chủ trương đến hiện thực hóa chủ trương đó là cả một quá trình, không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Nhưng, với quyết tâm chính trị cao, từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước, đủ cơ sở để tin tưởng rằng bộ máy hành chính nhà nước sẽ được đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục