Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất

18:35' - 28/12/2016
BNEWS Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, nội dung được các địa phương đề cập nhiều là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu....
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN
Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, nội dung được các địa phương tập trung là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu… 

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, năm 2017 Hà Nội bám sát nội dung trên theo chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện hiệu quả năm kỷ cương hành chính 2017; làm tốt công tác an sinh xã hội... 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2017 thành phố sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ để phấn đấu trong năm 2017 thành lập mới 50.000 doanh nghiệp, đến năm 2020 thành phố sẽ có 500.000 doanh nghiệp... Cùng với đó, Thành phố cũng tập trung khắc phục hiệu quả các vấn đề nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm như: tình trạng úng ngập, vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... 

Bên cạnh các mục tiêu trên, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN, xây dựng các hàng rào kỹ thuật... để hỗ trợ tích cực cho các ngành hàng non trẻ trong nước trước thách thức hội nhập. Mặt khác, hoàn thiện Nghị định về phân cấp ủy quyền cho thành phố, bảo đảm thành phố có cơ chế thực sự hiệu quả để phát triển; ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; chính sách phát triển vùng. 

Đại diện thành phố Hải Phòng cho hay, năm 2017 thành phố quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đạt mức tăng trưởng từ 12,5 - 13%; thu ngân sách đạt 21.000 tỷ đồng; khởi công nhiều dự án quan trọng; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo hướng giảm đầu mối, đẩy mạnh tự chủ... 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Đề cập đến vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thực hiện cải cách, Phó Thủ tướng nêu ví dụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định về kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, về khai báo hóa chất... đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công cho doanh nghiệp. 

Không chỉ vậy, Bộ Công Thương còn tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng khi nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng, dù năng lực kiểm định của Việt Nam có hạn. 

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành cố gắng sửa thông tư, quy định nhưng quan trọng nhất là thực thi của địa phương bởi “ra văn bản nhưng không nghiêm túc vào cuộc thì rất khó”. 

Phó Thủ tướng cho hay: “Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy, cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới”. 

Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đại diện một số địa phương ở miền Trung như Khánh Hòa, Quảng Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất sau thiên tai, mưa lũ. 

Đại diện thành phố Cần Thơ và một số địa phương cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đổi mới công nghệ chế biến. Thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên nước; chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện tốt chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông về quản lý nguồn nước; triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.... 

Về các giải pháp hỗ trợ các địa phương vùng lũ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc hỗ trợ giống cây, con để các tỉnh khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân; chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý dân cư, kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; triển khai hỗ trợ người dân xây nhà chống lũ; nâng cao hiệu quả cứu hộ cứu nạn, kỹ năng cứu hộ cho dân.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục