Cần chính sách tài chính ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất

15:19' - 08/01/2018
BNEWS Ngày 8/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính.
Ngày 8/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Sáng 8/1/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2018 của Bộ Tài chính. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính sách tài chính phải ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Theo Thủ tướng, ngành tài chính phải chủ động khắc phục những khiếm khuyết của tình hình kinh tế Việt Nam; đồng thời nghiên cứu chính sách kinh tế của các nước láng giềng để phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết năm 2018 ngành tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Bộ Tài chính xác định tiếp tục tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao. 

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, ngành tài chính sẽ tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách Nhà nước tích cực, chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng dự toán được giao và khả năng thu ngân sách Nhà nước. Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7%GDP); phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Đứng ở vị trí là đơn vị có nguồn thu ngân sách lớn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho hay, ngành thuế sẽ tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết xóa nợ đối với một số khoản nợ khó đòi, nợ dây dưa nhiều năm trên cơ sở phân loại rõ ràng các khoản nợ để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ngành sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy trình quy chế.

Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà cũng cho biết, Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo các Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; đồng thời điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo chính xác, đúng quy định. Kiểm soát thanh toán các khoản chi theo đúng quy định; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh dồn dập vào dịp cuối năm.

Ngành phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh theo quy định, Bộ Tài chính là “chủ công” trong thời gian tới về quản lý nợ công nên Bộ cần nghiên cứu để có nguồn vốn vay đồng thời quản lý hiệu quả, an toàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá, thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá...

Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2018 dự toán thu cân đối ngân sách là 1.319.200 tỷ đồng; trong số đó, thu nội địa là 1.099.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 35.900 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 179.000 tỷ đồng.

Theo công bố của Bộ Tài chính thì số thu ngân sách Nhà nước năm 2017 với tổng thu ước đạt trên 1.283.000 tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng (vượt 5,9%) so với dự toán, tăng 43.700 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Bội chi ngân sách hơn 174.000 tỷ đồng, bằng 3,48% GDP, trong phạm vi dự toán Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục