Cần có điều kiện ràng buộc trong việc giao đất cho các dự án tại đặc khu kinh tế

21:15' - 24/05/2018
BNEWS Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là việc giao đất 99 năm cho các dự án đầu tư vẫn còn nhiều kẽ hở trong quản lý đất đai.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên: Hiện có nhiều ý kiến khác nhau trong quy định giao đất 99 năm cho dự án đầu tư tại các đặc khu kinh tế. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như nào?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Đúng, hiện có nhiều ý kiến khác nhau lo ngại đến vấn đề quản lý đất đai trong việc cho thuê đất 99 năm cho các dự án đầu tư tại các đặc khu. Tuy nhiên, đây chỉ là một số trường hợp đặc biệt đối với những dự án có tính đầu tư lâu dài và phải quy định do Chính phủ xem xét phê duyệt và Chính phủ giao cho địa phương, các bộ, ngành rà soát thẩm định.

Nếu dự án đó đủ điều kiện thì cũng nên mạnh dạn giao đất 99 năm cho dự án đó. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế mà các đặc khu trên thế giới và trong khu vực đã thực hiện. Chúng ta cũng không thể biệt lập đất của mình trong khi đang trong quá trình hội nhập.

Phóng viên: Nhưng hiện nay, vẫn chưa có cơ sở nào để xác định được dự án đó là đặc biệt. Ý kiến của ông như nào về điều này?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Trường hợp đầu tư đặc biệt phải là xác định và quy định rõ những ngành nghề gì. Doanh nghiệp hay nhà đầu tư phải có đầu tư lâu dài với thời gian hàng trăm năm với các ngành nghề như: lắp ráp, sản xuất công nghệ cao... có tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, cũng phải quy định cụ thể những đối tượng nào được xem xét giao đất 99 năm. Còn các đối tượng khác thì giao đất theo Luật Đất đai 2013.

Phóng viên: Cũng có ý kiến lo ngại rằng, doanh nghiệp được giao đất 99 năm nhưng lại bị phá sản ngay trong 10 năm đầu thì sao?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Vấn đề này cần có điều kiện ràng buộc, nếu không tuân thủ, cam kết thực hiện đúng như 99 năm mà giữa chừng chuyển nhượng dự án hoặc thay đổi mục đích của dự án thì không thể chấp nhận việc giao đất 99 năm. Còn nếu họ đầu tư xong rồi bán hoặc sang nhượng thì cũng không áp dụng cơ chế giao đất 99 năm mà có thể thực hiện cơ chế giao đất 50 năm.

Phóng viên: Vậy theo ông, cần bổ sung gì cho dự thảo Luật này để không còn lo ngại trong việc giao đất 99 năm?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Trước hết, cần phải quy định rõ danh mục những dự án nào có thời hạn hàng trăm năm. Đồng thời, mang lại lợi ích cho quốc gia, mang lợi ích cho người dân địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thì mới được Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt cho áp dụng cơ chế thuê đất 99 năm.

Điều kiện cũng phải quy định rõ ràng, nếu thực hiện đúng cam kết thì sẽ được hưởng ưu đãi đó. Còn nếu chuyển đổi mục đích hoặc sang nhượng thì sẽ thu hồi giấy phép. Không thể nói chung chung mà để ảnh hưởng đến các Luật khác cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong đặc khu đó.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, các ưu đãi trong Luật này đưa ra chưa thể hiện được tính vượt trội, quan điểm của ông?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Theo tôi, đã là đặc khu thì phải có tính ưu đãi vượt trội để tạo cú hích cho khu vực đó cất cánh và lan toả sang các khu vực khác. Theo đó, cần phải có ưu đãi về các chính sách hỗ trợ với việc tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tiếp đó là có các ưu đãi về thuế, các thể chế, thủ tục để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nhanh gọn và thông thoáng hơn.

Thêm nữa là phải giao quyền lực cho trưởng đặc khu đó để có thể quyết định nhanh gọn mọi vấn đề, chứ không thể thành lập nhiều cơ quan khác giống như mô hình chính quyền địa phương đang áp dụng theo Luật chính quyền địa phương. Nếu không như vậy không thể hiện được tính vượt trội, tính ưu đãi đặc biệt, thiếu tính hấp dẫn, tính năng động... của bộ máy điều hành đặc khu đó.

Phóng viên: Vậy theo ông, nên đầu tư cho cả ba đặc khu hay chỉ tập trung đầu tư cho một đặc khu trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đang hạn hẹp?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Theo tôi, nên đầu tư theo lộ trình chứ không nên đầu tư cùng một lúc cho cả ba đặc khu. Nên tập trung đầu tư cho một đặc khu có nhiều lợi thế nhất để làm thí điểm. Bởi, nguồn lực mà đầu tư cho ba đặc khu là rất lớn (1,5 triệu tỷ đồng), trong khi hiện nay kêu gọi xã hội hoá cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đầu tư cho một đặc khu cũng phải có thời gian phù hợp với điều kiện kinh tế, rồi từ đó mới tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Phóng viên: Với những ưu đãi mà dự thảo Luật đưa ra, theo ông đã đủ để thu hút những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu chưa?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Theo tôi, với các ưu đãi đưa ra tại dự thảo Luật này chưa đủ mạnh để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược. Do đó, cần phải có những ưu đãi mạnh hơn nữa để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục