Cần "động lực mới" để hệ thống thiết chế văn hóa Hà Nội hoạt động hiệu quả

08:19' - 24/01/2018
BNEWS Thiếu đất, thiếu kinh phí xây dựng, trang thiết bị nghèo nàn, đội ngũ quản lý yếu chuyên môn, nội dung hoạt động sơ sài… là những bất cập mà hệ thống thiết chế văn hóa ở Hà Nội đang gặp phải.
Du khách nước ngoài đi tham quan chợ Hàng Bè ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Anh - TTXVN

*Thiếu trước, hụt sau

Đình - đền Nghĩa Lập, số 32 phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm trong một ngày trời mưa nhưng vẫn chật kín người đến nghe tư vấn sức khỏe.

Đây không chỉ là điểm tín ngưỡng tâm linh mà từ lâu còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của các tổ dân phố lân cận.

Phố cổ Hà Nội vốn nổi tiếng đất chật người đông, việc sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng phải nhờ vào các địa điểm đình, đền, chùa hay trụ sở làm việc các cơ quan, trường học không phải chuyện hiếm.

Chưa kể, để có chỗ sinh hoạt, các tổ dân phố còn phải luân phiên đăng ký vì trên địa bàn phường cũng không nhiều địa điểm cho người dân mượn đê làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Hiện nay, ở khu vực phố cổ Hà Nội đang “trắng” nhà văn hóa tổ dân phố. Dù nhu cầu rất bức thiết nhưng quận Hoàn Kiếm không còn quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Việc tận dụng các di tích để làm nơi sinh hoạt văn hóa vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa góp phần phát huy giá trị di tích. Về lâu dài, việc phát triển hệ thống nhà văn hóa trong khu phố cổ đang được quận Hoàn Kiếm tính đến.

Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc xây dựng các nhà văn hóa tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp.

Trong những năm tới, khi thực hiện giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng, các diện tích dôi dư sẽ được sử dụng xây dựng nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân.

Trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ riêng hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố, quận, huyện, thị xã cơ bản hoàn chỉnh, còn ở cấp xã, phường, thị trấn, thôn làng, tổ dân phố vẫn đang thiếu một số lượng lớn, đặc biệt là các quận nội thành.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu như không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Hiện toàn thành phố có 112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao, 2.152/2.528 thôn làng có nhà văn hóa và 1.727/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Hà Nội cần thời gian tương đối dài mới có thể “lấp đầy” các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở bởi việc làm này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhất là đất đai.

Ở những nơi đã xây dựng được thiết chế văn hóa, một vấn đề cũng đang được đặt ra là hiệu quả hoạt động của hệ thống này. Nhiều nơi trang thiết bị thiếu, không đảm bảo điều kiện hoạt động, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở cũng còn thiếu và yếu, kinh phí tổ chức hạn hẹp chưa tương xứng với nội dung tổ chức hoạt động.

Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Cụ thể, tại quận Tây Hồ, nhiều nhà sinh hoạt, nhà văn hóa tổ dân phố ở phường Xuân La, Thụy Khuê, Nhật Tân còn thiếu, xuống cấp, vệ sinh không đảm bảo, nguồn kinh phí còn hạn chế và thiếu tính chủ động.

Nhiều nơi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, một số nơi thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, nội thất bên trong nhà văn hóa chưa được đầu tư nhiều, dụng cụ thể thao còn thiếu…

* Việc xã hội hóa gặp vướng mắc

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng một phần theo yêu cầu thực tế và hiệu quả sử dụng còn thấp; chưa có nhiều công trình văn hóa, công trình thể thao và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của nhân dân.

Trong khi đó, đầu tư của ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao còn hạn hẹp.

Giải pháp được xem như “cứu cánh” cho hệ thống thiết chế văn hóa là thực hiện xã hội hóa trong tổ chức hoạt động và khai thác cơ sở vật chất.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, kinh phí hoạt động các nhà sinh hoạt địa bàn dân cư của 7/8 phường của quận chủ yếu hoạt động theo phương châm tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân địa phương và các hội viên tham gia câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đóng góp.

Tuy vậy, việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hóa, thể thao còn rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.

Thực tế, một số nhà văn hóa đã thực hiện theo hình thức này nhưng do chưa có cơ chế rõ ràng nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cũng thừa nhận, chủ trương xã hội hóa trong tổ chức hoạt động và khai thác cơ sở vật chất đã được Chính phủ, các bộ ngành thông qua nhưng chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý rõ ràng để triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất thành phố tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, xây dựng và quản lý, tổ chức hoạt động theo hướng xã hội hóa và tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Sở cũng đề xuất thành phố có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể giải quyết các bất cập của các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hệ thống các thiết chế văn hóa đang cần một "động lực mới" để có thể hoạt động hiệu quả./.

Xem thêm:

>>>Trung thu 2017: Nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa tại Hà Nội

>>>Tour tham quan phố cổ Hà Nội bằng xe điện "hút" khách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục