Cần mạnh tay xử lý những cán bộ thuế, hải quan có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp

21:37' - 11/04/2018
BNEWS Một số cán bộ thuế và hải quan bị phát giác có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp thì cơ quan quản lý phải mạnh tay xử lý, kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân làm ảnh hưởng đến cả bộ máy.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ thành phố Hà Nội (HASMEA). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Sau khi một loạt tiêu cực liên quan tới cán bộ ngành thuế, hải quan bị phát giác, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ thành phố Hà Nội (HASMEA) về những nội dung liên quan.

Phóng viên: Xin ông cho biết cảm nghĩ trước việc một số cán bộ thuế thuộc Cục thuế Quảng Ninh, và cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ (Hải Phòng) vừa bị phát hiện có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp?

Ông Mạc Quốc Anh: Sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính Phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19/NQ- CP của Chính phủ về  những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các các Bộ, ngành đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vừa rồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo về chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh; trong đó tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đang ở Top cao trong bảng xếp hạng. 

Bên cạnh đó, năm trước, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương và ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh cùng những bước tăng trưởng kinh tế giúp lòng tin của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước tăng cao.

Tuy nhiên, trong một thời  gian ngắn, một số cán bộ thuế và hải quan bị phát giác có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp thì cơ quan quản lý phải hết sức mạnh tay xử lý, kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân làm ảnh hưởng đến cả bộ máy.

Theo quan điểm của tôi, cần đuổi việc những cá nhân sai phạm, chứ không phải là chỉ thuyên chuyển công tác, xong lại bố trí việc khác thì sẽ không đủ sức răn đe.

Nếu chúng ta không mạnh tay kỷ luật cán bộ sai phạm sẽ dẫn đến việc những cán bộ khác thắc mắc tại sao những cán bộ sai phạm đến như vậy mà chỉ là thuyên chuyển công tác. Chúng ta phải làm mạnh tay vì đây là những trường hợp vi phạm  hết sức cụ thể. 

Sự việc này, theo tôi, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ có những lo ngại nhất định. Có thể họ sẽ thắc mắc là địa phương này xảy ra những bất cập như vậy thì địa phương khác sẽ như thế nào?.

Vì sự việc này có thể tạo thành tính lan tỏa cao, nên cần phải mạnh tay chấn chỉnh.

Phóng viên:Để hạn chế tiêu cực trong công tác thuế, hải quan, theo ông cần thực hiện giải pháp gì?

Ông Mạc Quốc Anh:  Để hạn chế về việc cán bộ hải quan và thuế nhũng nhiễu doanh nghiệp, theo tôi cần phải đẩy nhanh Chính phủ điện tử, có nghĩa là tránh sự giao dịch trực tiếp giữa cá nhân, tổ chức với các cơ quan công quyền, đặc biệt là các chuyên viên. Khi thực hiện theo Chính phủ điện tử, các hoạt động liên quan đến giải quyết công việc sẽ không phải gặp trực tiếp, từ đó không xảy ra vấn đề phải có chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu kiểm tra, đánh giá, giám sát chặt chẽ, không chỉ doanh nghiêp giám sát, kiểm tra mà quan trọng nhất là lực lượng báo chí, truyền thông. Khi họ phát hiện yếu tố vi phạm là phải đưa ngay ra pháp luật.

Đặc biệt là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như anh chuyên viên ở chi cục thuế, hải quan vi phạm thì thủ trưởng cơ quan đó cũng cần phải bị kỷ luật. Như  vậy, sẽ tăng cường khâu chịu trách nhiệm chính.

Đôi khi là chuyên viên vi phạm, nhưng bản thân thủ trưởng cơ quan đơn vị đó không phải chịu trách nhiệm, trong khi rõ ràng là để nhân viên vi phạm thì khâu quản lý, kiểm tra, giám sát tại đơn vị đó có vấn đề.

Phóng viên: Doanh nghiệp phàn nàn về các chi phí không chính thức nhưng vẫn có doanh nghiệp sẵn sàng chi các loại phí bôi trơn đó. Như vậy có phải doanh nghiệp cũng chịu một phần trách nhiệm trong các tiêu cực của ngành thuế, hải quan?

Ông Mạc Quốc Anh: Ở đây cũng phải phân tích 2 chủ thể giữa người đưa và người nhận phí “bôi trơn”. Bản thân người đưa phải có cái gì đó có lợi cho mình và quan trọng nhất là phải có lợi nhuận. Bởi vì nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực thì phải làm cái việc đó.

Có một thực tế là  điểm yếu của người này sẽ là thế mạnh của người khác. Ví dụ như là trong vấn đề cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ mà không đủ khả năng để cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch thì doanh nghiệp đó phải dành ra những chi phí ngoài, gọi là chi phí “bôi trơn”. Khi mất chi phí đó thì doanh nghiệp có thông tin, được giải quyết sự việc nhanh hơn, sản phẩm sớm đưa ra thị trường hơn. Qua đó cho thấy, điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra sự minh bạch trong môi trường kinh doanh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục