Albemarle: Phương Tây khó từ bỏ nguồn cung từ Trung Quốc

12:22' - 18/11/2024
BNEWS Albemarle, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới nhận định việc phương Tây xây dựng chuỗi cung ứng lithium riêng tại Bắc Mỹ và châu Âu để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là không khả thi về mặt kinh tế.

Giải thích cho nhận định trên, trong cuộc trao đổi với tờ Financial Times, Giám đốc điều hành (CEO) Kent Masters của Albemarle cho biết lợi nhuận thu được không đủ bù đắp chi phí để chuyển hướng cung ứng lithium, một nguyên liệu then chốt của ngành công nghiệp xe điện, sang phương Tây. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá lithium đang ở mức thấp trong khi chi phí vận hành lại rất cao.

Ông Masters cho biết Albemarle đã nỗ lực chuyển hướng cung ứng sang phương Tây, nhưng mức giá thị trường hiện tại không cho phép điều đó. Đồng thời, ông cũng cảnh báo Mỹ có nguy cơ thất bại trong cuộc đua cạnh tranh lithium với Trung Quốc.

 
Kể từ đầu năm ngoái, giá lithium đã giảm hơn 80% do doanh số xe điện toàn cầu sụt giảm và bối cảnh kinh tế vĩ mô phức tạp khiến nhu cầu lithium yếu đi, trong khi nguồn cung lại tiếp tục tăng lên.

Tình trạng suy yếu của thị trường lithium đang cản trở nỗ lực của phương Tây trong việc tự chủ chuỗi cung ứng các kim loại quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang nắm giữ phần lớn năng lực tinh chế lithium toàn cầu và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới.

Đầu tháng này, Albemarle công bố báo cáo kinh doanh với khoản lỗ 1,1 tỷ USD trong quý vừa qua do giá lithium xuống thấp, buộc công ty phải cắt giảm 6-7% lực lượng lao động nhằm tiết kiệm chi phí. Trước đó, Albemarle đã tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế 1,3 tỷ USD tại Nam Carolina và một phần dự án mở rộng nhà máy tại Kemerton, Australia (Ô-xtrây-li-a).

Tương tự, Albemarle, nhiều nhà sản xuất khác cũng báo cáo lợi nhuận sụt giảm và phải thu hẹp kế hoạch mở rộng. Hồi tháng Tám, Piedmont Lithium đã hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế 800 triệu USD tại Tennessee. Đến tháng Chín, International Battery Metals cũng đã tạm dừng hoạt động tại nhà máy lithium ở Utah chỉ sau hai tháng vận hành.

Bên cạnh giá lithium thấp, các nhà sản xuất còn đối mặt với nhiều thách thức khác như thời gian cấp phép kéo dài, tình trạng thiếu hụt lao động và bất ổn chính sách.

Mặc dù Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ có bao gồm các khoản tín dụng thuế nhằm khuyến khích sử dụng nguyên liệu không phải của Trung Quốc và sản xuất trong nước, nhưng ông Albemarle cho rằng đạo luật này chưa đủ mạnh để thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng lithium.

Giới phân tích cho rằng cam kết của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc chấm dứt yêu cầu bắt buộc sử dụng xe điện tại Mỹ và xem xét lại Đạo luật Giảm lạm phát có thể khiến nhu cầu xe điện giảm, từ đó kéo giá lithium xuống thấp hơn nữa.

Chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng Oliver Montique của công ty Eurasia Group nhận xét rằng khoảng cách giữa phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực lithium dường như đang ngày càng lớn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chiếm 65% năng lực tinh chế lithium toàn cầu vào năm ngoái và dự kiến đến hết năm 2040 sẽ cung cấp hơn một nửa nguồn cung lithium thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục