Cần sớm “khai tử” những con đường đau khổ

09:50' - 27/07/2017
BNEWS Nhiều tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông và đời sống của hàng nghìn hộ dân sống dọc hai bên các tuyến đường này.

Việc sửa chữa các tuyến đường để bảo đảm lưu thông cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đang trở thành vấn đề nóng, cần sớm có biện pháp giải quyết.

Dân mòn mỏi chờ đường

Tuyến đường Âu Lâu – Đông An là tuyến tỉnh lộ quan trọng của tỉnh Yên Bái, kết nối các huyện Văn Yên, Trấn Yên với Quốc lộ 37 qua địa phận thành phố Yên Bái. Tuyến đường dài hơn 50km này từ nhiều năm nay đã hư hỏng nghiêm trọng. Toàn bộ kết cấu mặt đường đã bong tróc, tạo thành những “ổ trâu”, “ổ voi” dày đặc, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Tuyến đường Âu Lâu – Đông An. Ảnh: yenbaitv.org.vn

Nhiều đoạn trên tuyến đã xuống cấp toàn bộ, tạo thành những vũng lầy, những “ao nhỏ” ngay trên mặt đường nhưng chỉ được vá víu tạm bợ. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, tuyến đường trở thành “con đường đau khổ”, là nỗi ám ảnh thường trực của những người tham gia giao thông và những người dân sống dọc hai bên.

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Châu Giang 2, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái (Yên Bái) cho biết, mong muốn lớn nhất của các hộ dân ở đây là tuyến đường sớm được đầu tư sửa chữa để người dân đi lại đỡ khổ. Từ nhiều năm nay, người dân sống dọc hai bên tuyến đường đã mòn mỏi chờ con đường được nâng cấp nhưng chỉ thấy được vá víu bằng phế liệu nên tình trạng của con đường ngày càng trở nên tồi tệ, đi lại vô cùng vất vả, có khi phải lội bùn đến ngang ống chân.

Tuyến tỉnh lộ Âu Lâu – Đông An đi qua địa bàn xã Đông An khoảng hơn 5km. Tình trạng xuống cấp của con đường đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và giao thương của người dân trong xã Đông An với 6 xã khác thuộc các huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái nơi tuyến đường đi qua. Việc giao thông hằng ngày của người dân trên tuyến đường gặp nhiều khó khăn; buôn bán, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa trên địa bàn gặp trở ngại và nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, đã nhiều năm nay, kỳ họp tiếp xúc cử tri nào nhân dân cũng đều có ý kiến phản ánh về tình trạng xuống cấp của con đường. Người dân rất mong muốn tuyến đường sớm được sửa chữa để đáp ứng nhu cầu giao thông. Nếu tuyến tỉnh lộ sớm được nâng cấp, cải tạo, sẽ giúp ích rất nhiều cho giao thông đi lại, buôn bán hàng hóa giữa các xã, huyện mà tuyến tỉnh lộ đi qua, trong đó có Đông An.

Ngoài tuyến tỉnh lộ này, một số tuyến tỉnh lộ khác trên địa bàn cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như các tuyến: Yên Thế - Vĩnh Kiên; Văn Chấn – Trạm Tấu; cảng Hương Lý – Văn Phú; Yên Bái – Khe Sang; Mậu A – Tân Nguyên; Hợp Minh – Mỵ…

Tuyến đường Văn Chấn – Trạm Tấu dài hơn 30km, là tuyến tỉnh lộ độc đạo kết nối huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái với các huyện, thị khác trong tỉnh.

Huyện Trạm Tấu được ví như một “cái túi” vì chỉ có một con đường dẫn vào trung tâm huyện. Khó khăn chồng chất khó khăn, địa hình đèo dốc hiểm trở cùng với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của con đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương và đi lại của người dân.

Đối với huyện vùng cao này, con đường huyết mạch Văn Chấn – Trạm Tấu chính là sợi dây kết nối duy nhất với thế giới bên ngoài. Hiện trạng con đường quyết định tương lai có hay không việc thay đổi bộ mặt của huyện nghèo thuộc diện 30a với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số này.

Ông Giàng A Thào, Bí thư huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái) cho rằng, một trong những mong mỏi lớn nhất của cử tri huyện Trạm Tấu chính là làm sao sớm sửa chữa, cải tạo tuyến đường. Để Trạm Tấu có thể phát triển, việc nâng cấp, mở rộng tuyến tỉnh lộ này là nhu cầu bức thiết; đồng thời, phải nghiên cứu để phá thế độc đạo của tuyến đường, thúc đẩy giao thương giữa Trạm Tấu với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Khó cân đối vốn đầu tư

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái đang được giao quản lý, bảo trì 14 tuyến đường tỉnh và 5 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài 482,8 km. Do điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nên kinh phí dành cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông này còn rất hạn chế.

Trong khi đó, nhiều tuyến tỉnh lộ được đầu tư xây dựng đã lâu, cùng với việc lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng trong khi kinh phí sửa chữa hàng năm thấp nên các tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp nhiều, đặc biệt nhiều tuyến xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn khó có thể cân đối vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái bố trí kế hoạch vốn được khoảng 40 tỷ đồng dành để sửa chữa, quản lý, bảo trì tổng cộng 19 tuyến đường với gần 500 km. Tính toán trung bình, chỉ 83 triệu đồng/km/năm, bằng 1/3 kinh phí đầu tư cho quốc lộ.

Sau khi trừ đi rất nhiều chi phí, số tiền còn lại để sửa chữa đường rất thấp. Nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng do không cân đối được vốn nên phải tận dụng xin các phế liệu để san gạt, tạm thời khắc phục tình trạng xuống cấp nhằm bảo đảm giao thông đi lại cho người dân.

Đến nay, các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuống cấp nghiêm trọng cũng chỉ mới được vá víu, sửa chữa tạm thời, phát cỏ, dọn rãnh thoát nước….

Năm 2016, tuyến tỉnh lộ Yên Thế - Vĩnh Kiên đã được tiến hành sửa chữa mặt đường; một số đoạn thuộc tuyến Âu Lâu – Đông An bị hư hỏng quá nặng cần đầu tư cấp bách bảo đảm giao thông cũng mới chỉ được rải đá cấp phối. Tuyến Văn Chấn – Trạm Tấu, đến hết năm 2016 cũng mới chỉ bố trí được vốn để sửa chữa được 10/30 km.

Hầu hết các tuyến tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng còn lại vẫn trong tình trạng rất khó có thể cân đối được vốn đầu tư. Ngân sách được cấp quá ít nên mặc dù hỏng hóc nghiêm trọng, các tuyến đường này cũng chỉ có thể tiếp tục… chờ.

Sớm ưu tiên

Để khắc phục tình trạng hư hỏng của các tuyến tỉnh lộ, bảo đảm lưu thông của người dân trên địa bàn, ngành giao thông tỉnh Yên Bái đã chủ động chỉ đạo công tác duy tu, sửa chữa và khắc phục đảm bảo giao thông trên các tuyến quản lý nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là việc cân đối được nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa.

Giải trình tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Trạm Tấu hồi tháng 6/2017, trước những kiến nghị bức thiết của cử tri về việc cần sớm nâng cấp, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong tổng số 15 tỷ đồng Bộ Giao thông Vận tải cấp cho Yên Bái để bảo trì, sửa chữa các tuyến giao thông năm 2017, tỉnh Yên Bái bố trí 13 tỷ đồng cho giao thông tại huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu, trong đó sẽ tập trung xử lý, sửa chữa tuyến tỉnh lộ 174 đoạn Nghĩa Lộ - Trạm Tấu nhằm tạo thuận lợi đi lại cho người dân và phá thế độc đạo vào huyện này, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII mới diễn ra vừa qua, trước những ý kiến của đại biểu tham dự kỳ họp về việc cần sớm nâng cấp, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cũng đã có ý kiến yêu cầu UBND tỉnh, các ngành liên quan cân đối ngân sách, sớm có kế hoạch ưu tiên sửa chữa, khắc phục tình trạng xuống cấp của một số tuyến tỉnh lộ trên địa bàn, trong đó có các tuyến: Văn Chấn - Trạm Tấu, Âu Lâu - Đông An, Yên Thế - Vĩnh Kiên… nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.

Ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết, từ nay đến cuối năm và kế hoạch trong năm 2018, ngành giao thông Yên Bái sẽ cân đối các nguồn vốn, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên cân đối kinh phí để tiến hành sửa chữa tuyến tỉnh lộ huyết mạch Âu Lâu – Đông An; phấn đấu trong Quý 1 năm 2018 sẽ hoàn thành hơn 30 km việc sửa chưa, nâng cấp tuyến tỉnh lộ Văn Chấn – Trạm Tấu, đồng thời nghiên cứu để phá vỡ thế độc đạo dẫn vào huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục