Cần Thơ: Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đầy đủ vốn đầu tư phát triển thành phố

17:08' - 20/07/2018
BNEWS Trong tháng 8 tới, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018.

Sau hội nghị, dự kiến sẽ có nhiều dự án đầu tư được triển khai trong giai đoạn cuối năm 2018 với quy mô nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho các nhà đầu tư để đầu tư phát triển thành phố. Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ.

Ông Trần Quốc Hà cũng cho biết ngành ngân hàng thành phố hiện tập trung đông đủ và đa dạng với 48 tổ chức tín dụng, 257 điểm giao dịch ngân hàng với các dịch vụ phong phú và đa dạng và đã hỗ trợ tốt cho các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Cần Thơ trong thời gian qua. Đơn cử như sự có mặt của Chi nhánh Ngân hàng Liên doanh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ chuyên phục vụ các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)...

Sắp tới sẽ có thêm ngân hàng đến từ Hàn Quốc thành lập chi nhánh tại Cần Thơ để hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và doanh nghiệp thành phố cũng như các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp Cần Thơ và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trong 6 tháng cuối năm, các ngân hàng cũng sẽ tập trung vốn tiếp tục cho vay các lĩnh vực ưu tiên đã đặt ra ban đầu, phấn đấu tăng trưởng dư nợ đến cuối năm đạt từ 16%-18%, quyết liệt xử lý nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý ngoại hối, tăng cường thu hút kiều hối, xuất khẩu tại chỗ, thu đổi ngoại tệ phấn đấu đạt 360 triệu USD đến cuối năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động có mức tăng trưởng vượt bậc so với những năm gần đây. Tổng vốn huy động đạt 69.858 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm 2018, kỳ hạn trung và dài hạn tăng cao hơn và chiếm tỷ lệ khá lớn 37,82%. Tín dụng tăng trưởng cao và đến cuối tháng 6 đạt 73.027 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm.

Tín dụng tăng trưởng tập trung ở lĩnh vực sản xuất, như cho vay nông nghiệp, cho vay lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản... Đặc biệt, trong lĩnh vực cho vay hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách hộ đồng bào dân tộc…, tăng trưởng tín dụng tốt và đạt mức dư nợ khá lớn so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trên 2.114 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm là kể từ khi ngành ngân hàng chỉ đạo quyết liệt xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, các ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, không có quỹ tín dụng nào yếu kém.

Nghị quyết 42/2017/QH14 đi vào cuộc sống đã góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 1,92%. Như vậy, sau nhiều năm phấn đấu kiên trì, Cần Thơ là địa bàn có tỷ lệ nợ xấu thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động dịch vụ thu đổi ngoại hối, kiều hối, dịch vụ thanh toán trên địa bàn phát triển mạnh. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 6 tháng đầu năm tăng cao so những năm trước và được đảm bảo an toàn.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Cần Thơ đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn khi có quan hệ tín dụng với ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan đến thị trường, ngoại hối, các vấn đề liên quan khác; tham gia các cuộc đối thoại ngân hàng, doanh nghiệp. Qua đó, ngành ngân hàng và doanh nghiệp đã hiểu nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển./.

>>>Phát hiện hàng chục tấn thực phẩm tươi sống và đông lạnh không rõ nguồn gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục