Cần tiêu chí rõ ràng để tuyến buýt sông hoạt động hiệu quả

15:04' - 08/12/2017
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh vừa chính thức vận hành tuyến buýt sông đầu tiên từ ngày 25/11.

Việc chính thức hoạt động tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ nội địa (gọi tắt là buýt sông) số 1 Bạch Đằng – Linh Đông sau hơn 6 năm chật vật các thủ tục, vốn, phương tiện, giải phóng mặt bằng… như thổi luồng gió mới đối với ngành vận tải hành khách cũng như du lịch Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên để dự án này tồn tại lâu dài, vẫn còn nhiều việc phải giải quyết.

*Thú vị trải nghiệm du lịch

Tp. Hồ Chí Minh chính thức vận hành tuyến buýt sông đầu tiên. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Tuyến buýt sông số 1 chính thức hoạt động từ ngày 25/11. Người dân Tp. Hồ Chí Minh đã được trải nghiệm 10 ngày đi tàu không mất tiền vé, đa số đều thích thú khi được ngắm cảnh sắc hai bờ sông Sài Gòn trong mát, di chuyển hơn 10km không bị “ùn tắc” và chỉ mất khoảng 45 phút.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (ngụ quận Thủ Đức) cho biết, trước đây chị từng đi tàu cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng cảm giác đi buýt sông vẫn mang nhiều điều mới lạ, thú vị khi được hòa mình trong thiên nhiên mát mẻ, di chuyển êm, không gặp cảnh “kẹt xe” đầy khói bụi lại được nhìn khu vực mình ở từ bờ sông và tàu ghe qua lại trên sông.

Không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng bày tỏ ấn tượng khi lần đầu tiên thành phố có tuyến buýt sông. PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao tuyến buýt sông số 1, xem đây là mô hình thành công ban đầu của vận tải hành khách đường thuỷ nội địa.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho biết, đây là tuyến buýt sông lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm từ các mô hình thành công đang áp dụng ở nhiều nước phát triển.

Trong buổi lễ chính thức đưa vào hoạt động tuyến buýt sông số 1 hôm 25/11 vừa qua, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, dự án sẽ tạo tiền đề để xây dựng các mô hình vận tải hành khách tương tự, không những hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tạo đà cho phát triển du lịch tại thành phố.

* Nhưng có đảm bảo vận tải hành khách công cộng?

Sau 10 ngày miễn phí, người dân Tp. Hồ Chí Minh, nếu muốn di chuyển từ bến Bạch Đằng, quận 1 đến Linh Đông, quận Thủ Đức bằng buýt sông sẽ phải bỏ ra 15.000 đồng/chiều/người.

Ghi nhận tại bến Bạch Đằng, quận 1 ngày đầu bán vé (ngày 6/12) mới đây, tàu xuất phát lúc 9h30 tại bến Bạch Đằng và đến bến Linh Đông, quận Thủ Đức khoảng10h15 (chiều dài toàn tuyến hơn 10km).

Tuy nhiên từ bến Linh Đông, quận Thủ Đức, khách muốn quay lại bến Bạch Đằng, quận 1 bằng buýt sông thì phải đợi đến tới 13 giờ chiều. Điều này gây không ít bất tiện cho hành khách. Dọc bến giữa hành trình, khách lên tàu chỉ lác đác vài người, trong khi đó có 3 - 4 khách chủ động xuống bến quận 2 để tiện bắt xe taxi, xe ôm về lại quận 1.

Hầu hết hành khách đi trọn tuyến để ngắm cảnh, chủ yếu là người lớn tuổi, đã nghỉ hưu chứ không phải là sinh viên hoặc viên chức đi làm. Họ đi buýt sông vì tò mò, muốn được trải nghiệm hình thức di chuyển bằng đường sông giữa lòng phố thị.

Có vài khách du lịch nước ngoài đến bến, đắn đo mua vé nhưng lại thôi sau khi xem lại bản đồ du lịch không thấy địa danh nào nổi tiếng gắn với tuyến buýt sông.

Anh Nguyễn Văn Lộc, ngụ quận 8 cho hay, vợ chồng anh đọc thông tin báo chí nên tò mò muốn khám phá tuyến buýt sông và cho biết thích thú khi có mô hình này trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên theo anh Nguyễn Văn Lộc, cửa kính của tàu thiết kế quá cao, khách ngồi phía trong khó ngắm cảnh. Trần tàu đóng thấp, theo mặt phẳng nên khá nóng, không tạo độ thoáng cho không gian trên tàu.

“Nếu buýt sông phục vụ khách du lịch thì chưa đạt do các bến lên xuống không có gì hấp dẫn, cảnh quan dọc sông cũng khá đơn điệu còn nếu là vận tải hành khách công cộng thì chưa đạt do kết nối giao thông còn kém, tàu không chở hàng hoá nhỏ (như xe buýt). Nếu không rạch ròi các tiêu chí để vận hành, phát triển tương thích tuyến buýt sông số 1 sẽ khó thu hút khách về lâu dài, đặc biệt là hành khách thường xuyên đi học hoặc đi làm”, anh Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Về bài toán kinh tế, việc di chuyển 1 chuyến cả đi lẫn về bằng buýt sông trong một ngày sẽ “tiêu tốn” của hành khách 30.000 đồng, trong 1 tháng sẽ “tiêu” hết 900.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi xe buýt, người dân chỉ mất từ 112.500 - 135.000 đồng/1 tập 30 vé.

Khi phóng viên đưa ra con số tính toán này, rất nhiều hành khách gật đầu cho rằng, nếu đi du lịch (không thường xuyên) thì được nhưng nếu đi buýt sông hằng ngày vì công việc sẽ không ổn.

Chưa kể mặc dù cùng quãng đường di chuyển, thời gian đi xe buýt có thể lâu hơn nhưng hành khách từ quận Thủ Đức đi quận 1 vẫn dễ lựa chọn xe buýt (như tuyến Bến Thành – Đại học Quốc gia hoặc tuyến Chợ Lớn – Đại học Nông Lâm) vì sự thuận tiện công việc, học hành và giá vé chưa đến 15.000 đồng/lượt.

Tại buổi toạ đàm phát triển đường thuỷ gắn với sản phẩm du lịch Tp. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, tuyến buýt sông không thể làm đơn lẻ giữa du lich hoặc vận tải hành khách mà phải có tính nối kết.

Lý do để có dự án buýt sông là vận tải hành khách nhưng nếu chở khách công cộng thì không cần đầu tư phương tiện hiện đại như tuyến buýt sông. Ngược lại, nếu đầu tư tàu du lịch như buýt sông số 1 lại chưa ổn vì làm du lịch phải đảm bảo yếu tố đẹp, tiện ích. Muốn vậy cảnh quan hai bờ sông phải sống động, hấp dẫn nhưng thực tế hiện nay chưa đáp ứng được.

Muốn duy trì và phát triển lâu dài tuyến buýt sông, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, trước hết dự án phải làm tốt vai trò ban đầu là vận tải hành khách, chính quyền hỗ trợ phát triển du lịch hai bờ sông, nếu không sẽ xảy ra tình trạng người dân được miễn phí vé hoặc đi trải nghiệm một lần nhưng lần sau không mặn mà đi lại.

Còn theo đề xuất của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương, để phát triển du lịch đường thuỷ, Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cũng phải tham gia “tỉa tót” cảnh quan hai bên sông để hấp dẫn du khách. Nếu không sẽ dễ gây nhàm chán, khó thu hút khách du lịch trải nghiệm bằng đường thuỷ.

Hiện nay, phương thức vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ mới có xe buýt (chủ lực), taxi và chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại. Đến năm 2020, thành phố phấn đấu khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt từ 15% - 20% nhu cầu.

Trong khi đó, cơ sở để ra đời dự án buýt sông số 1 là vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ nội địa, nhằm giảm áp ức vận tải đường bộ, giảm kẹt xe, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của người dân. Trong quá trình triển khai dự án, tuyến buýt sông được gắn với chức năng du lịch và được “kỳ vọng” sẽ khai thác lợi thế cảnh quan sông nước của thành phố.

Tuy nhiên chức năng vận tải hành khách công cộng của tuyến buýt sông số 1 sẽ khó bảo đảm nếu dự án chỉ hoạt động như một phương tiện du lịch đơn thuần, thiếu kết nối giao thông và tiện ích du lịch.

Bởi lẽ ngay chính trên dòng sông Sài Gòn trong thời gian qua cũng đã có nhiều du thuyền, ca nô cao tốc được khai thác, phục vụ cư dân tại các dự án nhà ở sang trọng, sở hữu mặt tiền sông Sài Gòn hoặc phục vụ lữ hành du lịch bằng thuyền nổi…

Trước đó, từ tháng 9/2015 Tp. Hồ Chí Minh khai trương tuyến du lịch đường thuỷ nội địa nội đô trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuy nhiên đến nay dự án này đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” do khách du lịch ngày càng vắng vẻ vì nguồn nước kênh không ổn định, thiếu kết nối cảnh quan, địa điểm giải trí du lịch dọc hai bên bờ.

Trong khi đó, chủ đầu tư đang "đau đầu" với phương án hoàn vốn. Đây có lẽ vẫn đang là bài học "nhãn tiễn" cho những dự án vận tải, du lịch đường thuỷ sẽ được đầu tư trong thời gian tới tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều lợi thế sông nước với hơn 1.000km đường thuỷ và 2 tuyến sông chính chảy qua là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục