Cẩn trọng với nấm độc khi mùa mưa đến

14:29' - 28/04/2017
BNEWS Những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu xuất hiện nhiều ở Kon Tum, là điều kiện thích hợp cho nhiều loại nấm rừng, nấm tự nhiên sinh sôi. Đây cũng là thời điểm mà nguy cơ ngộ độc do ăn phải nấm lạ tăng cao.
Mùa mưa là thời điểm thích hợp để nấm độc sinh sôi. Ảnh minh họa: Kiến Thức

Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh Kon Tum, trong 3 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 73 trường hợp ngộ độc thực phẩm chủ yếu do uống rượu, ăn nấm và ăn uống không đảm bảo vệ sinh. TThời điểm giao mùa này, nguy cơ ngộ độc đối với nấm là rất cao.

Ông Hoàng Chí Trung, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum cho biết: Thời điểm này, trời mưa xuống, nấm bắt đầu mọc lên và bà con ở các bản làng đều ra rẫy, khi ở lại rẫy trong đêm bà con thường đem rượu theo để uống. Cộng hưởng giữa nấm và rượu sẽ làm tăng tình trạng ngộ độc. Các vụ ngộ độc xảy ra trong năm 2016 hầu như là ngộ độc nấm và đều có uống rượu.

Trước nguy cơ ngộ độc nấm tăng cao, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đang tăng cường các công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sử dụng nấm lạ.

“Chúng tôi tập trung cao điểm trong tháng 5, chỉ đạo các trung tâm an toàn thực phẩm phối hợp với các trung tâm y tế, cộng tác viên y tế thôn làng, tập trung tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan về các loại nấm độc, nấm có hại, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không sử dụng các loại nấm lạ, nấm tự nhiên, để hạn chế tình trạng ngộ độc nấm”- ông Hoàng Chí Trung cho biết.

Sau khi hàng chục ca ngộ độc tập thể do rượu xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, tỉnh Kon Tum cũng đã tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu kiểm tra các cơ sở nấu rượu trong nhân dân. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy 19 mẫu rượu nấu tại các lò nấu rượu thủ công tại các xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông; Đăk Môn, huyện Đăk Glei; xã Hiếu, huyện Kon Plông; Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi; Rơ Cơi, huyện Sa Thầy; Đăk Trăm, huyện Đăk Tô; Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; xã Kroong, thành phố Kon Tum. Kết quả có 4/19 mẫu dương tính với Methannol, trong đó 2 mẫu có nồng độ Methanol vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay ngành chức năng tỉnh Kon Tum cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại 888 cơ sở, phát hiện 33 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 38 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là nhân viên sản xuất không mang, mặc trang phục bảo hộ theo quy định, không khám sức khỏe định kỳ, khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh…/.

>>> Yên Bái: Cứu sống 7 người trong một nhà bị ngộ độc do ăn nấm

>>> Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm mọc ngoài tự nhiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục