Câu lạc bộ Paris đồng ý xóa nợ cho Cuba

16:16' - 23/12/2015
BNEWS Các nước chủ nợ đồng ý xóa tới 8,5 tỷ USD trong số 11 tỷ USD tổng giá trị các khoản nợ của Cuba và tái cơ cấu nghĩa vụ thanh toán của La Habana theo những thời hạn rất “dễ chịu”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thành viên tích cực trong thỏa thuận với các chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris đối với Cuba. Ảnh: Reuters.

Các nước chủ nợ cũng áp đặt những mức phạt hà khắc trong trường hợp Cuba một lần nữa không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình.         

Nội dung trên được Hãng tin Reuters đưa ra trên cơ sở sở hữu một bản sao của thỏa thuận xóa nợ cho Cuba của Câu lạc bộ Paris.

Tổng số nợ mà Câu lạc bộ Paris và Cuba nhất trí xác nhận là 11,1 tỷ USD – bao gồm khoản nợ gốc bị ngừng thanh toán từ năm 1986, lãi suất, phí dịch vụ và tiền phạt.

Con số này thấp hơn con số hơn 15 tỷ USD từng bị rò rỉ trước đó vài tháng, chủ yếu do việc đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường hối đoái quốc tế, trong khi do lệnh cấm vận của Mỹ, các khoản nợ của Cuba đều là bằng đồng euro hoặc các ngoại tệ khác.                

Theo thỏa thuận mới, Cuba sẽ chỉ phải chi trả khoảng 2,6 tỷ USD tiền nợ gốc, trong đó được miễn lãi suất từ nay cho tới năm 2020 và sau đó cũng chỉ phải chịu mức lãi suất 1,5% của số nợ còn lại.

Khoản nợ của La Habana với Câu lạc bộ Paris được tái cấu trúc với thời hạn thanh toán là 18 năm, trong đó mức thanh toán hàng năm tăng dần từ mức 1,6% của 2,6 tỷ USD hiện tại (khoảng 40 triệu USD)/năm vào năm 2016 lên 8,9% cũng của số tiền này vào năm 2033.                

Đồng thời, văn bản này cũng quy định nếu không hoàn thành việc trả nợ định kỳ được ấn định vào ngày 31/10 hàng năm, La Habana sẽ phải chịu lãi suất phạt là 9% của khoản phải trả năm đó cho tới ngày thực hiện trả nợ cộng với lãi suất gốc.

Bên cạnh đó, Cuba cũng phải báo cáo hàng năm cho nhóm chủ nợ về tình hình kinh tế và các chính sách cải cách của mình.                

Theo một số chuyên gia ngân hàng, ngay cả với điều khoản phạt có tính hà khắc này, thỏa thuận trên vẫn là “vô cùng hào phóng với Cuba”.            

Các nước Áo, Australia, Bỉ, Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Thụy Điển đã đồng ý khoản “khấu trừ ngoại lệ” kể trên cho Cuba, theo như văn bản thỏa thuận nêu rõ, do xét tới con số nợ quá lớn, những khó khăn mà chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ gây ra cho Cuba và “quyết tâm” của La Habana trong việc “cải thiện tình trạng tài chính của mình”.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục