Chấm dứt tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

14:01' - 24/02/2018
BNEWS Quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" từ xa xưa của Việt Nam có vẻ như không còn phù hợp với thời đại công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Chấm dứt tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ảnh minh hoạ: Quý Trung-TTXVN
Sở dĩ có quan niệm này là bởi, trong cơ cấu nghề nghiệp nước ta trước kia, hơn 90% dân số là nông dân. Đặc điểm của nghề nông là làm theo thời vụ. Theo cơ cấu mùa vụ đó, tháng Giêng là tháng tương đối nhàn rỗi, là thời điểm người dân ít việc phải làm nhất trong năm.

Đây cũng là tháng có nhiều lễ hội nhất. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có khoảng hơn 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm. Những yếu tố đó, không khó lý giải cho câu thành ngữ “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Nhưng thời nay, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không còn có nông nhàn hay “công nhàn”. Bất cứ ngày nào cũng là ngày sản xuất, đơn hàng quốc tế không có chuyện chờ đợi “công nhàn”. Có thể quy ước trước trong hợp đồng, kéo dài một vài ngày vì Việt Nam có Tết cổ truyền, nhưng hội nhập quốc tế không cho phép nghỉ chơi cả tháng như ngày xưa. Đó là lạc hậu, là hủ tục không thể chấp nhận.

Ngày làm việc đầu tiên sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các cơ quan Đảng, chính quyền không thể thiếu vắng nhân sự, để khi người dân, doanh nghiệp liên hệ công tác, không thể có câu trả lời “bận họp” hay “lãnh đạo vắng mặt”, không thể có từ “không” với dân.

Trước đó, trong phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương sáng 29/12/2017 (trước khi kết thúc năm 2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh "Đừng để đầu năm thong thả cuối năm vất vả", tức là không để xảy ra tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, phải triển khai quyết liệt nhiệm vụ năm 2018 ngay từ ngày đầu tiên.

Thủ tướng chỉ rõ: "Chủ trương 1, biện pháp 10 nên sự vận dụng, sáng tạo là rất quan trọng". Khâu tổ chức thực hiện là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai nên “từ lời nói đến hành động”, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa. Chúng ta phải chuyển biến cả hệ thống thì cuộc cách mạng mới thành công, nhất là cấp liên quan đến cơ sở, đến người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Thường trực Chính phủ đã thảo luận và thống nhất ngay chiều 29/12/2017 hoặc chậm nhất là đầu tháng sau, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01, kèm theo 242 loại công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương căn cứ vào đó tổ chức triển khai ngay trong những ngày đầu của năm 2018.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nếu để xảy ra tình trạng đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ vi phạm xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bắt đầu từ sáng mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất, các công sở phải mở cửa làm việc theo quy định. Cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước có mặt đầy đủ làm việc, tổ chức tiếp dân đàng hoàng nghiêm túc. Báo chí, truyền thông và mỗi công dân hãy cùng tham gia giám sát để không còn tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Tuy vậy, thói quen “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn trong tâm tưởng, lề thói, cán bộ đến để có mặt, để đối phó, rồi hẹn nhau ra quán, rồi lấy xe công đi lễ chùa, thậm chí rượu chè, cờ bạc, nhất là ngày nghỉ sát cuối tuần, kéo dài mùa tết cho hết tuần, hết tháng. Tâm lý đó có trong mỗi người, ai cũng thích chơi, cũng lười biếng, cũng có những thói quen chưa rũ bỏ, chỉ còn cách duy nhất là lãnh đạo từng đơn vị phải làm gương, kiên quyết bằng những chỉ đạo cụ thể.

Không nên bỏ Tết âm lịch, vì đó là văn hóa, là truyền thống, là khái niệm đẹp đẽ mang tên “cổ truyền”, là “hồn cốt” của người Việt. Nhưng đừng vì thế mà xa rời đời sống công nghiệp, với những đòi hỏi kỷ luật và tác phong công nghiệp, những thách thức về thời gian, áp lực gắt gao về cạnh tranh và cao nhất là văn minh hội nhập. Vì thế, công nhân phải trở về nhà máy đúng yêu cầu, vào dây chuyền sản xuất. Các cơ quan liên quan đến công tác xuất nhập khẩu chỉnh tề thực hiện trách nhiệm, chính quyền các địa phương phải đảm bảo phục vụ các hoạt động liên quan đến đời sống hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội do Quốc hội giao. Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho 2018. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, thời cơ mới, vận hội mới cùng với những thách mới đang ở phía trước. Mọi người phải có ý thức nghiêm túc bắt tay vào công việc ngày từ ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất, khắc phục triệt để tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, góp phần để đất nước cất cánh, sớm trở thành “con hổ” kinh tế mới ở châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục