Đề nghị Hà Nội kiểm tra, rà soát công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương

15:20' - 22/02/2018
BNEWS Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 22/2 đã có văn bản số 93/VHCS-QLHĐLH gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018.
Sáng 21/2/2018 (mùng 6 Tết Mậu Tuất), tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) diễn ra Lễ khai hội chùa Hương - Xuân Mậu Tuất 2017. Ảnh: TTXVN

Công văn của Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ: Lễ hội Chùa Hương năm 2018 gắn với chủ đề: “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch” đã khai hội sáng mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất trong không khí trang nghiêm, thành kính, an toàn, quy mô xứng với giá trị là di tích quốc gia đặc biệt, bảo đảm hoạt động tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của người dân.

Để thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong thời gian diễn ra lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương cần kiểm tra, rà soát công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2018.

Trong đó, các đơn vị chức năng cần đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội diễn ra trên sông nước, trang bị áo phao cứu sinh và yêu cầu du khách mặc áo phao khi ngồi trên đò; đảm bảo đúng số người chở trên đò theo quy định; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Ban tổ chức lễ hội cần tăng cường công tác tuyên truyền nếp sống văn minh trong lễ hội qua hệ thống bảng, biển, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, in tờ gấp về lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Việc này góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh cho du khách, người tham gia lễ hội. Đặc biệt, Ban tổ chức cần kiểm tra chặt chẽ, không để xảy ra các hiện tượng đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém” trông giữ xe, đánh bạc, mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ tại lễ hội.

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán thịt động vật hoang dã. Các hộ kinh doanh dịch vụ phải có bảng biển, đăng ký số điện thoại để Ban tổ chức kịp thời nhận và xử lý phản ánh của du khách qua đường dây nóng.

Lễ hội Chùa Hương khai hội ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch tại Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham gia.

Mùa lễ hội năm 2017, Chùa Hương đón khoảng 1,5 triệu lượt khách với doanh thu bán vé gần 20 tỷ đồng. Từ ngày mồng 3 Tết Mậu Tuất đến nay, chùa Hương đã đón khoảng hơn 150.000 lượt khách, riêng ngày khai hội đón khoảng 50.000 lượt khách. Lễ hội Chùa Hương năm 2018 đánh dấu mốc kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn (1958 – 2018).../.

>> Du lịch tâm linh hút khách những ngày đầu năm mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục