Chấn chỉnh việc lấn chiếm vùng bãi triều ven biển Thái Bình

21:14' - 07/05/2016
BNEWS Gần đây, nhiều hộ dân tại hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) tự ý lấn chiếm vùng bãi triều ven biển, ảnh hưởng đến hoạt động của các hộ đánh bắt thủy hải sản tự nhiên, gây bức xúc.

Tự ý lấn chiếm bãi triều

Tỉnh Thái Bình có bờ biển dài hơn 50km, là nơi đi qua của 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Trà Lý và sông Thái Bình. Đặc điểm vị trí địa lý này đã tạo ra vùng triều rộng lớn khoảng 25.000ha; trong đó vùng trung triều gần 6.200ha, vùng hạ triều hơn 18.800ha, thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ.

Theo Chi cục Thủy sản Thái Bình, năm 2010 toàn tỉnh chỉ có 1.089ha nuôi ngao, đến tháng 7/2015 diện tích bãi triều thực nuôi ngao tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy lên đến 2.780ha; trong đó trên 96% diện tích nuôi ngao thương phẩm với 1.600 vây nuôi của hơn 1.500 hộ tham gia.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm bãi triều, ảnh hưởng lớn đến những hộ dân khai thác tự nhiên.

Thời gian gần đây, tại hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) gia tăng tình trạng nhiều hộ dân tự ý dùng vây, chòi, cắm bãi không đúng quy hoạch. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Sau hơn 30 phút theo thuyền đánh bắt của ngư dân trên vùng bãi triều xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy), phóng viên được ngư dân tại đây chỉ về những diện tích bị lấn chiếm trái phép nuôi ngao được dựng chòi canh, cắm cọc vây.

Với 35 năm gắn bó với nghề đánh bắt ven bờ, ông Lê Bá Viện (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy) cho biết, tàu cá gia đình ông là loại 60CV và thường xuyên đánh bắt tôm, cá, don tự nhiên tại vùng bãi triều thuộc xã Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Trường.

Song gần đây, nhiều hộ đã lấn chiếm bãi triều, dựng vây, chòi nuôi ngao tại vùng này, không cho các hộ đánh bắt tự nhiên vào đánh bắt.

Ông Viện chia sẻ, nếu như trước đây trung bình mỗi ngày gia đình ông đánh bắt được trên 1 tấn don, 2 – 3 tạ cá các loại thì nay chỉ còn 3 tạ don, 20 – 30kg cá.

Chung nỗi niềm như ông Viện, ông Vũ Hồng Bàng, xã Thụy Xuân bày tỏ bức xúc: “Khi tàu của chúng tôi đi vào khu vực này sẽ bị các hộ dân xua đuổi, thậm chí dùng cả thuyền ra ngăn cản. Thuyền thì nhỏ, không đánh bắt được xa bờ. Giờ lại bị án ngữ, chặn đường thế này chúng tôi biết lấy gì để sống?!” – Ông Viện bức xúc.

Vị trí vùng bãi triều thuộc xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy) bị các hộ dân lấn chiếm trái phép. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Trước những bức xúc của các hội viên, Hội nghề cá xã Thái Thượng đã kiến nghị lên UBND huyện Thái Thụy về việc các hộ dân lấn chiếm bãi triều nuôi ngao trái phép tại khu vực các xã Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Trường.

Ông Phạm Huy Phương, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Thái Thượng cho biết, trước đây việc lấn chiếm đã xuất hiện nhưng nhiều nhất là từ Tết Nguyên đán đến nay, thậm chí việc lấn chiếm này vào sát rừng ngập mặn khu vực xã Thái Thượng. Các thuyền đi vào khu vực do các hộ lấn chiếm trái phép này đều bị chửi bới, đe dọa.

Vì vậy, nguyện vọng của các hội viên là các cơ quan có thẩm quyền giải tỏa khu vực bãi triều bị lấn chiếm, trả lại vùng mặt bằng bãi triều ven biển để người dân có thể khai thác tự nhiên như trước đây.

Lập lại trật tự

Việc lấn chiếm trái phép vùng bãi triều xảy ra ở một số vùng như xã Thụy Trường có 13 hộ tự ý cắm khoảng 250 cọc trên diện tích trên 200 ha thuộc vùng bãi triều xã Thụy Trường, đặc biệt là xã Thái Thượng có 452 ha bị lấn chiếm, bao gồm cả diện tích ngoài quy hoạch và diện tích trong quy hoạch; trong đó có 230 ha ngoài vùng quy hoạch. 

Tình trạng người dân tự ý lấn chiếm trái phép này cũng xảy ra tương tự ở huyện Tiền Hải, khiến việc khai thác, đánh bắt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, tỉnh Thái Bình đã có công điện chỉ đạo các địa phương ven biển chấn chỉnh việc quản lý bãi triều. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Trước hiện tượng trên, ngày 25/4 UBND tỉnh Thái Bình đã có công điện số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường quản lý bãi triều ven biển đối với 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. 

Công điện nêu rõ: “Việc nhân dân tự ý (dùng vây, chòi) cắm bãi hoặc có hợp đồng của chính quyền địa phương nhưng thời gian hợp đồng không đúng quy định, nuôi thả không đúng quy hoạch, sử dụng đất bãi triều không đúng mục đích gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, sự phát triển trồng, bảo vệ rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản và việc thực hiện các hoạt động kinh tế khác.”

Để chấn chỉnh việc lấn chiếm trái quy định, lập lại trật tự trên vùng bãi triều, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên yêu cầu hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải dừng việc cho thuê đất bãi triều ngoài đê quốc gia, thu hồi đất bãi vi phạm.

Với diện tích đất bãi nhân dân tự ý cắm vây, dựng chòi để khai thác ngao tự nhiên phải hoàn thành việc thu dỡ vây, chòi trước ngày 30/4; với các bãi nuôi ngao tự phát phải hoàn thành việc tự thu hồi tài sản, thu dỡ vây, chòi để trả lại mặt bằng sạch chậm nhất là ngày 1/7/2016; đồng thời tiến hành thu hồi đất theo quy định với các trường hợp cho thuê đất không đúng thời hạn, không đúng quy hoạch, không đúng thẩm quyền. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành việc thu dỡ vây chòi khai thác ngao tự nhiên theo Công điện 01 của UBND tỉnh Thái Bình.

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy cho biết, sau khi có công điện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay xã đã giải tỏa được 10,6ha lấn chiếm tại khu vực được quy hoạch dự án trồng rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc giải tỏa 230ha nuôi ngao tự phát, vì người dân đã bỏ số tiền lớn đầu tư nên việc thu hồi mặt bằng cần có lộ trình chi tiết hơn...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục