Châu Âu tìm giải pháp phòng ngừa hình thức tấn công đâm xe vào đám đông

11:56' - 20/08/2017
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mấy năm gần đây một loạt thành phố châu Âu hứng chịu các vụ tấn công khủng bố bằng hình thức đâm xe vào đám đông.
Châu Âu tìm giải pháp phòng ngừa hình thức tấn công đâm xe vào đám đông. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia chống khủng bố nhận định đây là hình thức tấn công khủng bố rất khó đoán định và ngăn ngừa.

Năm 2014, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã kêu gọi tấn công khủng bố bằng bất cứ cách thức nào, nhất là đâm xe tấn công khủng bố hàng loạt.

Tháng 7/2016, vụ tấn công bằng xe tải hạng nặng tại Nice (Pháp) đã làm 86 người thiệt mạng. Tiếp đó, vụ tấn công tại Berlin (Đức) vào tháng 12/2016 làm 12 người chết; vụ tấn công tại London (Anh) vào tháng 3 và tháng 6/2017 làm 13 người chết; vụ tấn công tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 4/ 2017 làm 5 người chết.

Mới đây nhất, vụ tấn công ngày 17/8 vừa qua tại các thành phố Barcelona và Cambrils của Tây Ban Nha làm 14 người chết. Trong các vụ tấn công này, các phần tử thánh chiến Hồi giáo sử dụng xe tải hạng nặng, xe tải nhỏ hay ô tô con lao vào đám đông.

Kể từ tháng 1/2015, các vụ tấn công đâm xe ở Tây Âu đã giết hại 127 người, tương đương 1/3 tổng số nạn nhân của các vụ khủng bố thánh chiến nói chung.

Để ngăn ngừa những vụ tấn công đâm xe, các thành phố châu Âu đang tìm cách bảo vệ các tuyến đường chính đông người qua lại hay các sự kiện tụ tập đông người, sử dụng các khối bê tông, bao cát lớn hay các phương tiện vận tải lớn làm vật cản ngăn chặn xâm nhập.

Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố cho rằng hình thức tấn công đâm xe nhằm gây thương vong nhiều người nhất có thể trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là rất khó đoán định để ngăn ngừa.

Tại Pháp và Đức, các khối bê tông và hàng rào đã được dựng lên xung quanh các khu chợ Noel và tại các địa điểm tụ tập đông người. Nhưng những thiết bị này nói chung chỉ mang tính tạm thời, ngay cả những thiết bị vẫn được duy trì trước những địa điểm mang tính biểu tượng của các thành phố nơi thường có nhiều du khách hay người dân qua lại hay khu vực gần các đại sứ quán.

Tại Stockholm, những khối bê tông nặng được đặt ở lối vào các tuyến đường dành cho người đi bộ và các khối đá granit được bố trí ở các vị trí khác nhau để các phương tiện giao thông phải giảm tốc độ.

Tương tự tại Bỉ, các khối bê tông và túi cát được dùng để ngăn ô tô đi vào các địa điểm diễn ra các sự kiện tập trung đông người.

Ở London, nhiều cây cầu đã được trang bị các rào cản để ngăn các xe leo lên phần đường dành cho người đi bộ. Tại cung điện Buckingham, thời gian diễn ra nghi thức đổi gác của lính gác cũng đã được thay đổi và một số tuyến đường bị đóng để giảm thiểu nguy cơ tấn công.

Tại Barcelona, một cuộc tranh luận đã nổ ra ngay sau vụ tấn công vừa qua, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, một số người chỉ trích việc không có các vật cản chống xâm nhập vào khu vực Las Ramblas.

Đáp lại những chỉ trích này, Thị trưởng Barcelona Ada Colau cho rằng nếu những kẻ tấn công không thể xâm nhập vào khu vực Las Ramblas, chúng sẽ đi theo một hướng khác và do vậy, không thể đặt các rào cản, các chướng ngại vật khắp nơi trong thành phố.

Còn tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Guy Parmelin  cho rằng nguy cơ khủng bố vẫn rất cao ở nước này và Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu những giải pháp nhằm đảm bảo an ninh.

Ông cho biết nếu cần, Thụy Sĩ sẽ nhanh chóng dựng các khối bê tông, chướng ngại vật trong những sự kiện tụ tập đông người, như trong lễ hội vật truyền thống ở Estavayer  hồi năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục