Chế độ lương hưu cho người bị tù giam và một số điểm cần bàn

17:39' - 07/03/2018
BNEWS Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, từ ngày 1/1/2016 trở đi, những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục được hưởng lương hưu khi đang ở trong tù.

Đối với những người lao động trong quá trình bị tù giam, nếu đến tuổi nghỉ hưu thì được ủy quyền cho người thân thực hiện các thủ tục để hưởng lương hưu. Điều đó đã thể hiện sự tiến bộ, nhân văn và hợp hiến, đảm bảo quyền sở hữu lương hưu của công dân.

Tuy nhiên, chế độ lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện đang tồn tại bất cập, tạo sự không công bằng giữa những người đang chấp hành hình phạt tù và giữa người bị tù giam trước thời điểm 1/1/1995 với người bị tù giam trong giai đoạn từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2015 và ngày từ 1/1/2016 trở đi.

Theo quy định của Luật, đối với những người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2015 thì bị cắt lương hưu trong lúc ở trong tù, không được làm chế độ hưu và chỉ được hưởng lại sau khi đã ra tù.

Còn đối với những người bị phạt tù giam và những người bị buộc thôi việc từ trước ngày 1/1/1995 thì toàn bộ thời gian công tác trước đó bị cắt bỏ, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, trong số này, có cả trường hợp nữ lao động sinh con thứ 3 trong giai đoạn đó cũng bị buộc thôi việc vì vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Trong khi đó, những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam từ ngày 1/1/2016 trở đi thì lại tiếp tục được hưởng lương hưu trong quá trình ở trong tù.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lương hưu là thu nhập hợp pháp của công dân sau khi họ đã có thời gian cống hiến và đóng đầy đủ vào Quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý.

Điều 32 Hiến pháp đã quy định “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp”. Như vậy lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân đã được hiến định. Việc chưa thực hiện chế độ lương hưu đối với người bị tù giam từ trước ngày 1/1/2016, đặc biệt là đối với người bị tù giam, người bị buộc thôi việc trước ngày 1/1/1995 là vi hiến và Luật Bảo hiểm xã hội đang bỏ quên họ.

“Trong số những người bị tù không được hưởng lương hưu, có rất nhiều bác đã từng vào sinh ra tử, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước độc lập, nhờ lập được nhiều chiến công, các bác được nhà nước giao cho làm giám đốc xí nghiệp, công ty để xây dựng, phát triển kinh tế.

Do trình độ quản lý kinh tế có hạn, lại bị cán bộ cấp dưới bất lương, làm ăn bất chính đã làm liên lụy đến các bác.

Có những bà mẹ sinh con thứ 3 bị buộc thôi việc đã phải buôn thúng, bán mẹt, chạy chợ kiếm sống nuôi con ăn học trở thành những công dân tốt, trong đó có người là nhân tài của đất nước, họ đã và đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Trong số các bác và các bà mẹ ấy, bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu đang phải sống nhờ bằng khoản trợ cấp tuổi già của Nhà nước (250.000 đ/tháng) là chưa công bằng”, ông Đỗ Văn Sinh nói.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, hiện có những người đang cùng chấp hành hình phạt tù nhưng người được hưởng lương hưu, người không được hưởng là bất bình đẳng, nhất là đối với những người bị phạt tù và buộc thôi việc trước thời điểm ngày 1/1/1995, con số này lên đến hàng nghìn người. “Người bị thôi việc trước năm 1995 còn nặng hơn là bị tù từ năm 1995-2016”, ông Sinh phân tích.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng về mặt nguyên tắc, lương hưu là tài sản hợp pháp của công dân, quyền tài sản gắn chặt với công dân, không thể cắt của họ, do vậy, cần phải sửa lại chính sách theo hướng sửa Luật Bảo hiểm xã hội hoặc Quốc hội ra Nghị quyết bổ sung cho những người bị phạt tù từ trước năm 1995 được hưởng lương hưu kể từ thời điểm sửa đổi chính sách.

Với những người bị phạt tù và bị buộc thôi việc trước năm 1995 không được hưởng lương hưu thì sẽ do ngân sách chi trả. Còn với những người bị phạt tù từ ngày 1/1/1995 trở đi sẽ do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu. Như vậy, mới đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo quyền của công dân, phù hợp với quy định của Hiến pháp./.

>>>Đề xuất lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục