Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường an ninh lương thực

18:28' - 21/04/2016
BNEWS Một trong những cách thức để đạt được mục tiêu về an ninh lương thực trong khu vực là thông qua việc tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu khai mạc Đối thoại chính sách công tư trong APEC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Ngày 21/4, tại Hà Nội Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức “Đối thoại công - tư APEC về tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường an ninh lương thực”.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Mục tiêu của đối thoại nhằm xác định những khó khăn, thách thức trong quá trình đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó, thông qua đây để chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt trong quá trình đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Mặt khác đề xuất, đưa ra các khuyến nghị và trình lên Nhóm đối tác chính sách về an ninh lương thực APEC (PPFS) để tăng cường cơ chế tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Buổi đối thoại cũng tạo cơ hội hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến an ninh lương thực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, dự kiến, chủ đề nông nghiệp và an ninh lương thực cũng đang được xem xét để xác định là một trong những ưu tiên của Việt Nam khi đăng cai APEC năm 2017, bởi Việt Nam coi đây là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng tới thịnh vượng chung của người dân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nông nghiệp là lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, bởi nó đáp ứng một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người. Một nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững sẽ là đòn bẩy thuận lợi cho các ngành sản xuất và dịch vụ khác phát triển.

Các thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại buổi Đối thoại chính sách công tư. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Đại diện Liên Hợp quốc chia sẻ, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên khoảng 9,6 tỷ người vào năm 2050. Do vậy, sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng thêm 70% để đáp ứng nhu cầu của con người vào thời điểm đó. Việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tình trạng xung đột và bất ổn chính trị, dịch bệnh và biến đổi khí hậu kéo theo các nguy cơ về thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm nguồn nước đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Những thay đổi này có ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực tới ngành sản xuất nông nghiệp, trong khi nhu cầu sử dụng lương thực trên thế giới ngày càng gia tăng do chịu ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số trên hầu khắp các khu vực trên thế giới. Hợp tác về an ninh lương thực nói chung và hợp tác nhằm củng cố cơ sở hạ tầng trong ngành nông nghiệp ngày càng trở thành một trong những nội dung quan trọng của nhiều tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chính vì vậy, APEC trong thời gian qua rất chú trọng thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp nói chung, đặc biệt là nội dung về an ninh lương thực. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22, năm 2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã thông qua các văn kiện bao gồm:“Tuyên bố Bắc Kinh về An ninh lương thực”; Kế hoạch Hành động APEC nhằm giảm mất mùa và lãng phí lương thực; Lộ trình An ninh lương thực APEC tới năm 2020.

Theo đó, Lộ trình An ninh lương thực APEC tới năm 2020 đã chỉ rõ: “Một trong những cách thức để đạt được mục tiêu về an ninh lương thực trong khu vực là thông qua việc tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp”.

Lộ trình này cũng nhấn mạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức chính là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất lao động và đình trệ sản xuất nông nghiệp tại các nền kinh tế thành viên APEC đang phát triển. Do đó, việc xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp hiện đại và bền vững cần phải có sự chung tay góp sức của cả khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

Các đại biểu đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các thành viên APEC đồng chủ trì sáng kiến và các Bộ/Ngành hữu quan tổ chức đối thoại này nhằm hướng tới việc thực thi một cách hiệu quả Lộ trình An ninh lương thực APEC tới năm 2020 và đóng góp cho các hoạt động hợp tác về lương thực. Đây được coi là một trong những nội dung ưu tiên của APEC trong năm 2016 và 2017.

Tại buổi đối thoại, các học giả, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về nội dung tạo thuận lợi cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Qua đó, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác chính sách hữu ích, thực tế và khả thi, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục