Chủ tịch VAMC: Không phải khoản nợ nào cũng có thể chuyển thành vốn góp

18:57' - 17/10/2016
BNEWS Có nhiều lợi ích của việc chuyển nợ thành vốn góp. Nhưng cần phải nhìn vấn đề này ở góc độ không phải tất cả các khoản nợ đều có thể chuyển thành vốn góp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC). Ảnh: TTXVN

Câu chuyện chuyển nợ xấu thành vốn góp đang được dự thảo, bàn bạc và đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

BNEWS: Thưa ông, câu chuyện chuyển nợ thành vốn góp đang gây nhiều tranh cãi. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Chuyển nợ thành vốn góp không phải là vấn đề mới. Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện. Đưa vấn đề chuyển nợ thành vốn góp là có cơ sở, là hướng đi đúng.

Thực tế trong thời gian qua đã có những tổ chức tín dụng đã chuyển thành công nợ xấu thành vốn góp. Khi chuyển nợ thành vốn góp ngân hàng tham gia vào quản trị dòng tiền, về phía ngân hàng có khả năng thu hồi nợ gốc, về phía doanh nghiệp có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không bị lâm vào tình trạng phá sản. Về mặt xã hội, người lao động có công ăn việc làm.

Lợi ích của chuyển nợ thành vốn góp là như vậy. Nhưng cần phải nhìn vấn đề này ở góc độ không phải tất cả các khoản nợ đều có thể chuyển thành vốn góp.

BNEWS: Vậy những khoản nợ như thế nào mới có thể chuyển thành vốn góp, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Chỉ những khoản nào có đủ điều kiện thì mới có thể chuyển thành vốn góp. Đó là những khoản nợ có tiềm năng, có điều kiện, có khả năng phục hồi được nhưng doanh nghiệp không có tiềm lực về tài chính, không có đủ uy tín và họ không có khả năng quản trị. Khi ấy ngân hàng có thể tham gia vào để quản trị cùng và kiểm soát được dòng tiền.

Nếu việc chuyển nợ thành cổ phần tốt lên, ngân hàng không những thu hồi được nợ mà còn có thể bán lại cổ phần khi doanh nghiệp đã phục hồi được. Các tổ chức tín dụng họ cũng phải tính toán làm sao để chuyển có hiệu quả chứ không phải là doanh nghiệp nào cũng được họ chọn.

BNEWS: Vậy tổ chức tín dụng sử dụng nguồn lực nào để chuyển nợ xấu thành vốn góp, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ngân hàng muốn tham gia quản trị doanh nghiệp thì phải căn cứ vào tỷ lệ được tham gia là bao nhiêu theo quy định. Và theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, khi ngân hàng đầu tư sang lĩnh vực khác thì phải dùng vốn điều lệ. Như vậy, ngân hàng muốn chuyển nợ xấu thành vốn góp họ phải sử dụng vốn điều lệ chứ không phải vốn huy động từ dân.

Do vậy, ngân hàng muốn chuyển nợ thành vốn thì phải xác định dùng vốn của chính ngân hàng mua khoản nợ đấy sau đó mới chuyển được.

BNEWS: Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cho phép VAMC triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường. Tuy nhiên, thị trường mua bán nợ dường như chưa phát huy tác dụng, vấn đề này đang gặp vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Mua nợ theo giá thị trường hiện nay đã có Quyết định số 618/QĐ-NHNN, Thông tư 08/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép VAMC mua bán nợ theo giá thị trường. Bản thân VAMC đã xây dựng đề án mua nợ theo giá thị trường. Như vậy, điều kiện cần và đủ có thể mua nợ theo giá thị trường đã có.

Tuy nhiên, có thể nói thị trường mua bán nợ hiện nay chưa sôi động. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng không thể bán nợ theo giá thị trường ngay ở thời điểm này. Bởi trích lập dự phòng rủi ro hiện nay của họ chưa đủ, nếu bán nợ xấu theo giá thị trường vào thời điểm này sẽ làm giảm tiềm lực của họ.

Có thể nói, hiện nay chưa hội tụ đủ các yếu tố để các tổ chức tín dụng đồng ý bán nợ theo giá thị trường. Khi đủ yếu tố thì không cần phải bắt họ mà họ sẽ tự động đưa vào thị trường để bán. Từ nay đến khoảng năm 2018 - 2019, khi các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro đủ lớn thì nghiễm nhiên họ sẽ chấp nhận bán nợ theo giá thị trường.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm:

>> Làm thế nào để xử lý hiệu quả nợ xấu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục