Mua bán nợ xấu theo thị trường gặp khó

19:10' - 11/08/2016
BNEWS Vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu, do việc bán nợ xấu của các DNNN chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu.
Phó Thống đốc NHNN chủ trì họp báo thông tin hoạt động ngân hàng nhà nước. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS

Cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành ngân hàng diễn ra vào chiều 11/8 đã diễn ra sôi nổi với nhiều chủ đề, trong đó “nóng” với những vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu.

“Chúng tôi mua nợ xấu rồi nhưng bán ra sao ” là băn khoăn của đại diện Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC).

*Nợ xấu giảm còn 2,58%

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt 59,71 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, bán nợ cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu đạt 7,24 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc VAMC khẳng định, vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu. Theo quy định, việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu. Điều này là một hạn chế cho VAMC.

Cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 2,58%. Ảnh: TTXVN

Ông Thắng lý giải, hiện nay trên thị trường hoạt động kinh doanh nợ chủ yếu có VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và khoảng 28 Công ty quản lý tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các AMC của các tổ chức tín dụng hoạt động còn nhiều hạn chế. Như vậy, việc mua bán nợ xấu chủ yếu trên thị trường là VAMC và DATC.

“Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Hy vọng trong thời gian tới khi Nghị định này đi vào cuộc sống , các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nợ xấu sẽ phát triển”. - ông Đoàn Văn Thắng nói.

*Tiếp tục giữ ổn định lãi suất

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động.

Phó Thống đốc khẳng định, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xác định khi cầu trong nước tăng trở lại thì việc điều hành ổn định mặt bằng lãi suất sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý I đã tăng chậm lại so với mục tiêu đã đề ra và Chính phủ đã chủ trương tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một trong những chủ trương là ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

NHNN tiếp tục duy trì ổn định lãi suất. Ảnh:TTXVN

“Để thực hiện mục tiêu này, trong điều hành hàng ngày Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát thị trường và điều tiết đưa tiền ra, hút tiền về để làm sao điều tiết thanh khoản toàn hệ thống có dư thừa hợp lý, duy trì mức lãi suất hợp lý.

Việc điều tiết này, giúp ngăn chặn xu hướng các ngân hàng quay ra huy động tiết kiệm trên thị trường 1, đẩy lãi suất huy động tăng”, Phó Thống đốc nói.

Từ cuối tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; trong đó, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn giảm dần theo lộ trình, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho vay.

Cũng từ cuối tháng 4/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn.

Đồng thời, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

*Tín dụng tăng 8,54%

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/7, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Đến 29/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94%, trong đó huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa.

Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục