Chuyển đổi hộ kinh doanh: Bài 2: Vì sao hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp?

18:12' - 24/05/2017
BNEWS Tp. HCM đặt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, dựa vào hai nguồn lực là số lượng doanh nghiệp phát triển tự nhiên và hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc vận động, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hiện đang gặp không ít thách thức.

Ngại thuế và thủ tục chuyển đổi

Mục tiêu của việc phát triển doanh nghiệp là tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, chống thất thu thuế. Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng của các hộ kinh doanh là lợi nhuận.
Một trong những lý do khiến hộ kinh doanh ngại chuyển đổi là sợ phải đóng thuế cao hơn. Theo cơ chế hiện nay, phần lớn hộ kinh doanh dù doanh thu hàng tỷ đồng hay chỉ vài chục triệu đồng mỗi tháng đều đang thực hiện nghĩa vụ thuế theo cơ chế thuế khoán.
Các chuyên gia nhận định, việc xác định doanh thu khoán hiện hành còn chênh lệch khá lớn với doanh thu thực tế phát sinh của các hộ kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng trường hợp nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán thấp hơn so với mức thuế tính theo doanh thu.

Hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh nguy cơ tăng tiền thuế, các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ, sổ sách, kê khai thuế...
Chị Đỗ Thi Thơ, chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, quán của chị đã hoạt động hơn 5 năm với số lượng khách hàng khá ổn định. Nguyên liệu thực phẩm được lấy từ nhiều nguồn và là những mối quen biết lâu năm, sử dụng giấy viết tay chứ không có hóa đơn, chứng từ theo mẫu; khách hàng cũng không ai yêu cầu xuất hóa đơn cho một bữa ăn.
Theo chị Đỗ Thi Thơ, từ trước tới nay, các khoản thu, chi đều do chị quản lý và ghi chép một cách tương đối. Nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp, bắt buộc sử dụng hóa đơn, chứng từ thu, chi thì chị buộc phải tìm nguồn nguyên liệu có sử dụng hóa đơn, chưa kể phải thuê thêm kế toán để làm sổ sách, kê khai thuế cho đúng quy định vì bản thân chưa từng học nghiệp vụ kế toán. Như vậy quá phức tạp và tốn kém, trong khi lượng khách hàng không tăng lên thì người kinh doanh lại chịu thiệt.
Một số hộ kinh doanh ở Quận 12 cho rằng, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp còn phức tạp, rườm rà và tốn không ít thời gian. Đặc biệt, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động thì phải xin lại hàng loạt các giấy phép khác như Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn xếp hạng, Giấy phép kinh doanh sản phẩm... mà những thủ tục này còn rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Chưa kể, theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để làm thủ tục chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Nhưng khi hộ kinh doanh liên hệ chi cục thuế thì được yêu cầu phải giải thể, ngưng kinh doanh mới được tạm khóa mã số thuế. Nhiều hộ kinh doanh đặt câu hỏi, nếu họ làm thủ tục giải thể xong nhưng chưa hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp mới thì phải hoạt động thế nào?
Không chỉ có thuế, thủ tục chuyển đổi mà các loại phí bảo hiểm cũng là rào cản khiến hộ kinh doanh dè chừng khi lên doanh nghiệp. Trên thực tế, hầu hết hộ kinh doanh hiện nay đều chưa tham gia bảo hiểm tài sản và đóng bảo hiểm cho người lao động.
Tuy nhiên, khi thành lập doanh nghiệp họ sẽ phải thực hiện đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định, đây là một trong những yếu tố làm tăng chi phí hoạt động, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Sợ “bình mới rượu cũ”

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải phát triển nhanh, bền vững về số lượng lẫn chất lượng.
Các chuyên gia kinh tế và chính sách đánh giá, về mặt vĩ mô Nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở góc nhìn vi mô, vấn đề được các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các hộ kinh doanh quan tâm nhất chính là lợi ích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì và khả năng phát triển của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi đến đâu.
Anh Trần Văn Dũng, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian qua đã được nghe các chính sách vận động và hỗ trợ về thủ tục thuế và thủ tục hành chính cho các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, hộ kinh doanh của anh vẫn đang chần chừ, chưa quyết định có lên doanh nghiệp hay không.

Hầu hết hộ kinh doanh hiện nay đều chưa tham gia bảo hiểm tài sản và đóng bảo hiểm cho người lao động. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN.

Theo anh Trần Văn Dũng, nếu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mà vẫn giữ nguyên quy mô và giao dịch với khách hàng cá nhân, nhỏ lẻ thì hiệu quả kinh tế thậm chí còn không bằng so với hộ kinh doanh.
Anh Dũng cho rằng, không chỉ phải đóng thuế cao hơn, mất thời gian và chi phí cho việc kê khai thuế, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra; các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy… của doanh nghiệp cũng cao hơn so với hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập trong ngành vật liệu xây dựng có rất ít khả năng thực hiện giao dịch với các khách hàng có nhu cầu lớn.
Chị Trần Thị Thanh Loan, chủ cửa hàng kinh doanh hoa tươi ở Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cửa hàng của chị thường cung cấp hoa tươi cho các công ty tổ chức sự kiện và thường xuyên phải xuất hóa đơn, chứng từ cho khách hàng. Do đó, chị cũng muốn lên doanh nghiệp để thuận tiện hơn trong các giao dịch.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của hộ kinh doanh là quy mô và số lượng khách hàng có hạn, trong khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đòi hỏi khả năng quản trị cao, phải có kế toán, kê khai thuế… sẽ phát sinh nhiều chi phí. Nếu không thể mở rộng thị trường thì khó có thể duy trì lâu dài, chưa nói đến mở rộng quy mô - chị Loan chia sẻ.
Hiện nay trên địa bàn Quận 1 có hơn 25.600 hộ kinh doanh (chiếm hơn 9% tổng số hộ kinh doanh toàn thành phố), đây cũng là địa bàn trọng điểm trong kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 2017, thực hiện chỉ tiêu chuyển đổi hơn 2.300 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, Phòng Kinh tế và Chi cục Thuế Quận 1 đã tiến hành rà soát 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên, lập danh sách hơn 420 hộ có mức thuế đóng trên 100 triệu đồng/năm để tuyên truyền, vận động chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2017 trên địa bàn quận mới chỉ có 8 hộ kinh doanh đã chuyển đổi và 10 hộ kinh doanh khác đang làm hồ sơ lên doanh nghiệp.
Để thực hiện vận động hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, UBND Quận 1 đã phối hợp với các sở, ngành liên quan trực tiếp trao đổi với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn về lợi ích khi trở thành doanh nghiệp, cũng như tích cực hỗ trợ nghiệp vụ thuế và hồ sơ chuyển đổi.
Mặc dù vậy, theo ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, nhiều hộ kinh doanh vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi lên doanh nghiệp. Do đó, để việc vận động hộ kinh doanh lên doanh nghiệp đạt hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách, cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo địa phương phải thực sự quan tâm, lắng nghe vướng mắc của người kinh doanh để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Mặt khác, thành phố phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng, giao thông cũng như an ninh trật tự, tạo nền tảng để doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, tránh trường hợp chuyển đổi theo hình thức mà không mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và kinh tế của thành phố.
Qua khảo sát ý kiến hộ kinh doanh tại địa bàn, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Tân cho rằng, chủ trương, chính sách hỗ trợ của Tp. Hồ Chí Minh hiện nay là tốt nhưng chưa đủ để hộ kinh doanh yên tâm lên doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ và có giải pháp cụ thể hơn trong việc tạo môi trường kinh doanh thân thiện như giảm tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết, tập huấn kỹ năng quản trị và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho từng nhóm ngành nghề cụ thể thay vì để doanh nghiệp làm sai rồi xử phạt…
Theo các địa phương, thành phố cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp mới chuyển đổi, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra lợi ích cụ thể làm động lực để hộ kinh doanh tự nâng cấp lên doanh nghiệp./.
Bài 3: Tạo động lực cho hộ kinh doanh tự chuyển đổi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục