Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông

17:47' - 15/03/2017
BNEWS Muốn giảm ùn tắc giao thông cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tổ chức lại không gian đô thị nhằm phân bố lại dân cư trên địa bàn.
Ùn tắc đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo “Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông: “Vun” dân và “giãn” dân” do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 15/3, Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông đô thị mà chỉ triển khai các giải pháp của ngành giao thông thôi là chưa đủ, mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tổ chức lại không gian đô thị nhằm phân bố lại dân cư trên địa bàn, qua đó giảm áp lực di dân vào khu vực trung tâm vốn đã quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí cho rằng, thành phố cần triển khai Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025 theo mô hình tập trung - đa cực, trong đó khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.

Tuy nhiên, đến nay thành phố cũng chỉ mới phát triển được khu A của Khu đô thị mới Nam thành phố, đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Thủ Thiêm, còn các trung tâm cấp thành phố còn lại chưa được triển khai theo quy hoạch.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, không gian đô thị Tp. Hồ Chí Minh có cấu trúc không bình thường, theo hình lát bánh tét, có nhiều đường hẻm nhưng lại thiếu các trục chính kết nối vùng “nhân bánh” ra ngoài nên chỉ phù hợp cho giao thông bằng xe gắn máy, đến khi lượng xe ô tô tăng đã dẫn đến ùn tắc giao thông. Vì thế việc “dãn dân” là một quá trình “vun dân” vào những nơi có điều kiện giao thông đối nội và đối ngoại tốt nhất.

Đây chính là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh, trong đó mỗi một trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội, được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và các trục đường chính đô thị.

Đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đến nay đã 7 năm trôi qua nhưng thành phố vẫn chưa thực hiện được nhiều Quyết định 24 ngày 6/1/2010 của Thủ tướng.

Thậm chí, việc thực hiện quy hoạch chỉ theo hàng ngang mà không theo hệ thống, dự báo chưa chính xác, lại thiếu kế hoạch, chương trình cụ thể, thực hiện thiếu bài bản nên không bền vững, ảnh hưởng rất lớn đến giải quyết ùn tắc giao thông.

“Lâu nay đang xảy ra tình trạng lo làm công trình phía trên mà quên đi hạ tầng phía dưới. Trong khi nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật phía dưới mặt đất từ ngân sách Nhà nước còn vốn của doanh nghiệp lại tập trung vào công trình nhà ở phía trên nên hai nguồn vốn đang vênh nhau.

Vì thế cần phải xác định được nguồn lực, có lộ trình và kế hoạch cụ thể trong quá trình tổ chức không gian đô thị để sử dụng hợp lý hai nguồn vốn này”, ông Nguyễn Thanh Toàn nêu quan điểm.

Dưới góc độ cơ quan quản lý giao thông, ông Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, Sở Giao thông Vận tải sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp với 160 nhiệm vụ cụ thể, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các dự án giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn…

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh thừa nhận, các dự án nhà ở cao tầng được xây nhiều trên cùng tuyến đường, trong hẻm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kẹt xe.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản thông qua việc đầu tư dự án nhà ở, làm hạ tầng nội khu, đầu tư xây dựng một số tuyến đường kết nối dự án cũng đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất xây dựng mô hình khu đô thị vệ tinh “chuẩn thấp” dành cho người có thu nhập thấp đô thị theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội những vẫn có đầy đủ tiện ích trường học, bệnh viện, chợ - trung tâm thương mại… nhằm kéo giãn lực lượng lao động ra khu vực ngoại thành.

>>>37 điểm "đen" ùn tắc giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục