Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực

15:50' - 29/09/2015
BNEWS Nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam.

 "Việt Nam cần xác định phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các ngành mà Việt Nam ưu tiên phát triển, đây là việc làm cần thiết. Không có quốc gia nào phát triển bền vững mà không có phát triển nguồn nhân lực".

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh hội thảo hợp tác đào tạo nhân lựctrong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) tổ chức sáng 29/9.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Toma Massaski, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, để Việt Nam trở thành nước công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt cần quan tâm.

Khi đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam cũng như các Bộ, ngành cần chú trọng đến số lượng và chất lượng, cũng như xác định được đâu là lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao, công nghệ cao; bao gồm cả đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng.

Ảnh minh họa: Nguồn: TTXVN

Nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo so với yêu cầu của doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2015, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 lên hơn 100.000 người.

Theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 7,2% và cao đẳng nghề gần 6,9%; nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%; tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%.

Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Thành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện các quy định để khuyến khích hoặc bắt buộc các trường phải hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, bắt buộc các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề thông qua chính sách thuế, chính sách sử dụng đất đai… và quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia, hỗ trỡ của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ kinh nghiệm, TS. Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi, Nhật Bản cho rằng, chức năng điều phối liên kết giữa doanh nghiệp – trường học- nhà nước là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua cải cách thể chế và dự án mô hình.

Với nguồn lực hạn chế, Chính phủ Việt Nam cần phải làm thế nào để phát huy tối đa nguồn lực có hạn này. Bên cạnh đó, cần tìm ra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để phát huy phù hợp đáp ứng nhu cầu giữa người lao động và doanh nghiệp…, ông Toma Massaski nhấn mạnh.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục