Chuyên gia Pháp dự đoán một sự đổ vỡ của đồng Bitcoin

05:30' - 06/12/2017
BNEWS Dù trước đây đã có dự báo nhưng giới chuyên gia và đầu tư tài chính vẫn không khỏi “ngỡ ngàng” khi đồng Bitcoin dễ dàng vượt qua ngưỡng giá tâm lý 10.000 USD/Bitcoin trong phiên giao dịch 29-30/11.

Đồng bitcoin tại Washington, Mỹ ngày 17/6/2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật báo Le Figaro (Pháp) có bài bình luận với những phân tích của Giáo sư Eric Pichet thuộc Trường Quản trị Kinh doanh KEDGE, chuyên gia kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, xung quanh đồng tiền ảo Bitcoin.

Theo tác giả bài viết, Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi như là một phương tiện thanh toán không qua trung gian ngân hàng và không tốn bất kỳ khoản chi phí nào nên Bitcoin có một số thuộc tính của một loại tiền tệ đặc biệt.

Với thuộc tính ảo, Bitcoin thậm chí còn không có bất kỳ giá trị nội tại nào và cũng không phải là một đối tượng của bộ sưu tập vì nó là “vô hình".

Bitcoin cũng không phải là một chứng khoán tài chính như cổ phiếu hay trái phiếu vì nó không đem lại lãi suất. Giá trị đầu tư duy nhất của Bitcoin là triển vọng tăng giá từ đó đem lại lợi ích cho người sở hữu nó. Đó là một tài sản không có cơ sở cốt lõi.

Ý tưởng thiên tài của Satoshi Nakamoto, người đã tạo ra Bitcoin. Satoshi Nakamoto đã xây dựng một hệ thống phát hành dựa trên các công nghệ mới, hoàn toàn phân quyền và hiện tại hoàn toàn được bảo vệ mã hóa bởi những người sử dụng hệ thống blockchain.

Ngoài ra, các thuật toán máy tính giới hạn số Bitcoins là 21 triệu (hiện có 18 triệu lưu hành). Sự khan hiếm tương đối của đồng tiền ảo này là nguyên nhân chính khiến Bitcoin tăng giá nhanh và hiện chỉ có 0,01% dân số thế giới sở hữu nó.

Do đó, chúng ta có thể tưởng tượng các bong bóng đầu cơ với hiệu ứng sợ mất cơ hội (FOMO) là nguyên nhân chính tác động lên giá Bitcoin bởi nếu chỉ 1% dân số thế giới muốn sở hữu đồng tiền ảo này thì cũng làm gia tăng gấp 100 lần số chủ sở hữu Bitcoin hiện nay.

Người ta nói rằng giá Bitcoin đã vượt quá mức giá của vàng bằng cách so sánh 10.000 USD với giá một ounce vàng (31 gram) với mức giá hiện khoảng 1.300 USD.

Tuy nhiên, so sánh này hầu như không có ý nghĩa vì tổng vốn hóa của tất cả các Bitcoin đã phát hành hiện chỉ tương đương 180 tỷ USD, trong khi giá trị vốn hóa của tất cả các kho vàng toàn cầu hiện lên tới khoảng 8.000 tỷ USD (không kể số 150.000 tỷ USD của tất cả tài sản tài chính và 240.000 tỷ USD bất động sản toàn cầu).

Ông Eric Pichet kết luận: "Vậy bong bóng Bitcoin có thể vỡ trong những điều kiện nào? Khả năng đầu tiên là một sự 'đổ vỡ' của thế kỉ hoặc 'đổ vỡ' trong hệ thống blockchain mà có thể dẫn đến một 'trận lũ' Bitcoin giả mạo.

Thứ hai sẽ là một sự đồng thuận chung của tất cả các nhà nước và ngân hàng trung ương quyết định cấm phương thức thanh toán này dưới một danh nghĩa nào đó, ví dụ như chống gian lận…".

Bong bóng Bitcoin sẽ phải gia nhập danh sách dài các “cơn điên loạn” tập thể như “Tulipomanie” năm 1637, “Hệ thống Luật” năm 1820 hoặc “Bong bóng Internet” năm 2000. Thật không may, ngay cả khi thực hiện việc bán khống Bitcoin thì chiến lược này vẫn có thể dễ dàng dẫn đến hậu quả “thảm khốc”, trừ một số rất ít người cực kì may mắn.

Thực tế không ai có thể đoán được mức giá cao nhất cũng như thời gian của sóng đầu cơ. Người ta chỉ còn một việc để làm, đó là ngồi trên bờ sông để chờ ngắm “xác” Bitcoin một ngày nào đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục