Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Iran

10:18' - 06/08/2015
BNEWS Việc Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã mở ra rất nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được các cơ hội này hay không.

Việc Tehran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận khung lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran đã mở ra rất nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin về vấn đề này và có định hướng tiếp cận thị trường Iran, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hải, Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran về những tác động của thỏa thuận này tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Iran. 

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên: Ông có thể cho biết tác động của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran? 

Ông Nguyễn Ngọc Hải: Ngày 14/07/2015, nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã cùng Iran đạt được Thỏa thuân khung lịch sử về chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt quốc tế đối với Iran. Nếu Iran được dỡ bỏ trừng phạt thì những cản trở, khó khăn trong thương mại giữa các nước với Iran sẽ được loại bỏ.

Cụ thể là do bị trừng phạt, từ đầu năm 2012, các ngân hàng và tổ chức tài chính Iran đã bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT). Việc này đồng nghĩa với việc cắt đứt mọi quan hệ giao dịch tài chính của Iran với Hệ thống Ngân hàng toàn cầu.

Vì vậy, khi làm ăn không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà doanh Việt Nam và Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thanh toán, không thể thanh toán hàng xuất, nhập khẩu bằng hình thức L/C - phương thức thanh toán thuận lợi, an toàn nhất cho cả đôi bên. Hai bên phải thanh toán qua nước thứ 3, làm tăng chi phí, tăng rủi ro, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, đòi hỏi tin cậy nhau cao, hạn chế giao thương giữa thương nhân hai nước.

Ngày 26/7, một quan chức Ngân hàng Trung Ương Iran cho biết, các ngân hàng tư nhân Iran, gồm Dei, Saman, Pasargad, Persian, Ngân hàng Trung Đông và 2 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Nhà ở và Ngân hàng Nông nghiệp đang kết nối với Hệ thống SWIFT Code. Nếu các ngân hàng Iran được giao dịch, thanh toán qua Hệ thống SWIFT Code. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Iran.

Việc dỡ bỏ trường phạt, cấm vận Iran cũng đồng nghĩa với việc dỡ bỏ trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài thực thi bảo hiểm hàng hóa, tàu bè chuyên chở hàng xuất, nhập khẩu với Iran và dỡ bỏ Danh mục hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu với Iran.

Hiện, cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam khác cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu của Iran. Vì vậy, hai bên hoàn toàn có khả năng bổ sung nhu cầu cho nhau. Nếu loại bỏ được các khó khăn, cản trở trên sẽ có tác động mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Phóng viên: Vậy, những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Iran là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hải: Cơ hội thì đã rõ, sẽ có nhiều cơ hội từ điều kiện, môi trường buôn bán với Iran. Bởi những khó khăn, rủi ro như đã nêu trên khi nếu dỡ bỏ trừng phạt thị trường được bung ra, mở cửa và những khó khăn, cản trở sẽ được loại bỏ.

Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được cơ hội hay không. Muốn nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc thâm nhập thị trường và phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa của mình; có đầu tư khảo sát, tiếp cận thị trường cũng như chủ động thiết lập quan hệ bạn hàng với đối tác Iran.

Còn thách thức đó là, cơ hội không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam mà dành cho tất cả những ai quan tâm buôn bán với Iran. Vì vậy, doanh nghiệp các nước khác ai cũng tranh thủ, ai cũng muốn chớp cơ hội và dẫn đến sẽ có cạnh tranh gay gắt. Ai nhanh chân đến trước, thiết lập được quan hệ trước với đối tác thì tận dụng được cơ hội còn chần chừ sẽ mất cơ hội và xin nhớ đã là cơ hội thì chỉ là nhất thời.

Phóng viên: Ông có lời khuyên như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận sang thị trường này?

Ông Nguyễn Ngọc Hải: Mặc dù Iran đã bị trừng phạt, cấm vận hàng chục năm nay nhưng kinh tế Iran vẫn là nền kinh tế thứ 18 thế giới, với thị trường trên 80 triệu dân, hùng mạnh nhất nhì khu vực Trung Đông. Trong điều kiện Iran còn bị trừng phạt, buôn bán với Iran sẽ gặp nhiểu khó khăn, rủi ro nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cách làm và làm ăn tốt với thị trường Iran. Tôi mong rằng, doanh nghiệp Việt Nam hãy quan tâm hơn đến thì trường đầy tiềm năng này ngay từ bây giờ. Vì nếu đến sau nước khác, trong khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn yếu sẽ khó tận dụng được cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực.

Hiện Iran chưa được bỏ trừng phạt, chưa được giao dịch thanh toán qua Hệ thống SWIFT Code, bằng L/C. Những trường hợp hợp đồng nhập khẩu, thương nhân Iran thường yêu cầu đặt cọc hoặc hợp đồng xuất khẩu, thương nhân Iran không đặt cọc hay đặt cọc ít. Nếu tình hình thị trường thay đổi bất lợi cho thương nhân Iran, một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “lật kèo” tổn thất. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng, ký kết hợp đồng chặt chẽ, hiểu biết đối tác, nhất là các công ty Iran vừa và nhỏ để tránh tổn thất có thể xẩy ra. Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam ở Iran sẵn sàng hỗ trợ, giúp doanh nghiệp Việt Nam phần nào về vấn đề này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Đỗ Thảo Nguyên (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục