Cơ hội dự khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

12:25' - 26/03/2018
BNEWS Từ tháng 3 đến tháng 6/2018, bốn khóa đào tạo ngắn ngày sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, cho đối tượng học viên là 40 cán bộ phụ trách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngày 26/3, lễ khai giảng khóa đào tạo dành cho cán bộ các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động “Khảo sát thu thập thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển công nghiệp ở Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, đã diễn ra tại Hà Nội.

Khóa đào tạo này do Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa và Đổi mới Vùng của Nhật Bản (SMRJ) tiến hành và giám sát. Từ tháng 3 đến tháng 6/2018, bốn khóa đào tạo ngắn ngày sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, cho đối tượng học viên là 40 cán bộ phụ trách hỗ trợ SME đang công tác tại các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ SME.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục Trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: JICA

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay hiện doanh nghiệp tư nhân đóng góp đến 40% GDP trong cả nước và là cái nguồn lực chính góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Chính phủ Việt Nam coi trọng đến việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phát triển thông qua các Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ông Yasuzumi, Giám đốc Điều hành, Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa và Đổi mới Vùng của Nhật Bản (SMRJ) cho biết, chương trình đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng dựa trên chương trình đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật Bản. Đây cũng là chương trình đầu tiên SMRJ triển khai tại Việt Nam.

Cụ thể, hai khóa đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và sẽ có 30 giảng viên sẽ tham dự khóa học này. Các giảng viên đều có kinh nghiệm phong phú cả ở lý thuyết và thực địa.

Trong các khóa đào tạo này, các chuyên gia về SME và chủ một số SME Nhật Bản được mời sang Việt Nam để thực hiện đào tạo tại chỗ, cùng tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, nhà máy của các SME, từ đó trang bị cho các học viên Việt Nam kiến thức và kỹ năng về xây dựng chiến lược kinh doanh và marketing, quản lý sản xuất và quản lý tài chính. Bên cạnh đó, các chủ SME thành công tại Việt Nam cũng được mời tham gia khóa đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm thực tế về cách quản lý SME.

Ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo nêu trên, hoạt động khảo sát còn nghiên cứu thực trạng mạng lưới liên kết phối hợp giữa các cơ quan hỗ trợ SME; thực hiện các hoạt động thí điểm tư vấn trực tiếp cho các SME; tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ của cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp; và mời các cán bộ của các cơ quan liên quan sang Nhật Bản tham quan, học tập.

Nhằm thể chế hóa và tạo nền tảng pháp lý cho việc hỗ trợ phát triển SME tại Việt Nam, tháng 6/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhở và Vừa. Cùng thời điểm này, JICA cũng bắt đầu triển khai hoạt động “Khảo sát thu thập thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển công nghiệp ở Việt Nam”, với mục đích nghiên cứu về cơ chế hỗ trợ toàn diện dựa trên mạng lưới liên kết giữa các cơ quan cung cáp dịch vụ hỗ trợ SME nhằm giải quyết khó khăn mà các SME của Việt Nam đang gặp phải.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục