Cổ phiếu ngân hàng có là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán?

20:58' - 20/05/2016
BNEWS Các nhóm ngành dẫn dắt như Ngân hàng, Dầu khí mới chỉ phát huy được vai trò trong phiên giao dịch chứng khoán và chưa tạo thành hiệu ứng lan tỏa ra các nhóm ngành khác.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong nhiều báo cáo gần đây của các Công ty Chứng khoán, có chung nhận định nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm cổ phiếu trụ cột cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016.

Theo nhận định của nhiều Công ty Chứng khoán, tất cả đều cùng chung nhận định các thông tin như: đề xuất giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, xem xét lại thời gian sửa đổi thông tư 36, cùng đề xuất nới room cho ngành ngân hàng cũng là những yếu tố tích cực tác động đến tâm lý nhà đầu tư về triển vọng của ngành này.

Thêm nữa, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại nhận thêm trợ lực nhờ việc Chính phủ ban hành Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về việc đầu tư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có quy định mở rộng dạng tiền gửi tại các ngân hàng. Với cơ chế này, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân được mở thêm cánh cửa để tiếp cận với nguồn vốn trên.

Từ ngày 22/04, khi khối ngoại tăng vọt lượng tiền đổ vào các cổ phiếu “vua” thì thanh khoản của các “ông trùm” trong nhóm này đã tăng mạnh. Trong phiên 22/04, khối ngoại mua ròng 51,6 tỷ đồng VCB, 24,6 tỷ đồng BID, 14 tỷ đồng MBB và 6 tỷ đồng CTG.

Trong tuần từ 2/5-6/5, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 288 tỷ đồng trên cả 2 sàn và cổ phiếu ngân hàng MBB, VCB, BID, CTG là gương mặt chính trong top 5 mua ròng của họ.

Riêng tuần trước, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 288 tỷ trên cả hai sàn. Trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm được mua ròng nhiều nhất với MBB (65,93 tỷ), VCB (58,98 tỷ), BID (35,36 tỷ), CTG (26,36 tỷ).

Thanh khoản tăng cùng với giá các cổ phiếu tăng. Cụ thể, ngày 20/5, mã VCB đã đóng cửa ở mức 47.400 đồng/cổ phiếu, tăng 4.600 đồng so với ngày 20/4. Hay như mã CTG hôm nay, đóng cửa ở mức 17.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1.500 đồng so với cùng ngày của tháng 4.

Theo nhận định của ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS), dòng tiền ngoại nói trên đến từ P-notes và chính những luồng thông tin tích cực nêu trên đã xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây.

Chứng chỉ tham gia đầu tư P-notes, hay participatory notes, là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư hoạt động ở các thị trường chứng khoán mới nổi.

Dựa trên một danh mục cổ phiếu (thường là những cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, mang tính đại diện thị trường) đang nắm giữ, tổ chức tài chính hoạt động tại thị trường đó sẽ phát hành P-notes cho nhà đầu tư nước ngoài không muốn hoạt động hoặc không có điều kiện đầu tư trực tiếp vào thị trường đó. Phí quản lý P-notes thường dưới 1%, tùy theo mức độ rủi ro của các thị trường. Các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường tính phí từ 1,5-2,5%.

Cộng với việc nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh Quý 1 tích cực cũng là một trong những yếu tố giúp cổ phiếu này “trỗi dây”.

Như Ngân hàng Vietcombank công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 61% cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2016 là 1,76% giảm nhẹ so với mức đầu năm.

Vietinbank cũng có một kết quả tích cực khi trong quý 1, ngân hàng này ghi nhận 2.404 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.923 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 5.377 tỷ, tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/03/2016 là 0,96%.

Về phía Ngân hàng Quân đội, nhờ giảm trích lập dự phòng xuống chỉ bằng 1/3 cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế của MBB trong quý I được kéo lên mức 882 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Thế nhưng, theo nhận định của ông Cao Tấn Phát, Chuyên viên phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, các cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng khá mạnh và đang ở mức định giá tương đối hợp lý. Vì vậy, đợt tăng giá của nhóm ngành ngân hàng có thể chỉ trong ngắn hạn, và nhà đầu tư cần chờ đợi thêm những chính sách cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Cùng quan điểm với SSI, VCBS khuyến cáo, sự thận trọng từ các nhà đầu tư dường như đã trở lại và đang kìm hãm thị trường đi lên. Các nhóm ngành dẫn dắt như Ngân hàng, Dầu khí mới chỉ phát huy được vai trò trong phiên và chưa tạo thành hiệu ứng lan tỏa ra các nhóm ngành khác.

Với trạng thái lưỡng lự của phía nhà đầu tư trong nước, khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng nhẹ trong tuần trước. Chuỗi mua ròng đứt đoạn của họ cho thấy sự hỗ trợ về mặt tâm lý đối với khối nội nói riêng và toàn thị trường nói chung kém đi. Theo đó, đà tăng của thị trường trong tuần này lại thiếu vắng thêm một yếu tố hỗ trợ.

Những thông tin hỗ trợ hiện tồn tại dưới dạng tin đồn phi chính thức và có lẽ, nếu không được xác nhận, cũng sẽ sớm bị lãng quên và không còn là động lực để dòng tiền chảy vào nhóm ngành Ngân hàng.

Và dự báo của các công ty chứng khoán đã đúng với thị trường hôm nay, áp lực bán bất ngờ dâng cao đã đẩy nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường lao dốc. Cụ thể, các cổ phiếu như BID, BVH, CTG, VCB, STB, ACB… đều chìm trong sắc đỏ. VCB giảm 1,46%, STB giảm 4,03%, BID giảm 1,61%, CTG giảm 1,13%, EIB giảm 0,83%, ACB giảm 1,55%.

Trong đó, BVH giảm mạnh 2.000 đồng xuống còn 59.500 đồng/CP. Như vậy, sau phiên tăng trần từ hôm 17/5, BVH đã có hai phiên giảm giá mạnh và nếu nhà đầu tư nào tham gia đua trần hôm đó thì đã đang phải chịu khoản lỗ khá nặng.

Dù thị trường luôn có những bất ngờ và  tin đồn, nhưng với việc VN-Index đã từng liên tục lập đỉnh cách đây 10 năm khi Tổng thống Mỹ G. Bush thăm Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cho rằng có cơ sở hy vọng điều đó xảy ra một lần nữa khi đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày, từ ngày 22/5 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục