Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

22:09' - 12/03/2016
BNEWS Tối 12/3, diễn ra Lễ Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 dưới sự chủ trì của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực thi các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những năm qua.

Điều này thể hiện qua những hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai rộng rãi, công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đã có bước chuyển biến tích cực; công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ngày càng triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân thẳng thắn thừa nhận rằng nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế.

Hơn nữa, sự quan tâm của các chủ thể, cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ; hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ và đủ mạnh...

Theo Phó Thủ tướng, bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn và thách thức, trước nhưng yêu cầu của thực tiễn để có thể xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những đột phá mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ cũng như toàn hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội.

Vì vậy, việc công nhận ngày quyền của người tiêu dùng tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương cần phải coi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng trên phạm vi cả nước. Các cơ quan quản lý cần cụ thể hóa chính sách, đổi mới cơ chế để có thể hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các tổ chức xã hồn liên quan.

Không những vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường nhất là các cá nhân, tố chức kinh doanh hàng hóa.

Đặc biệt phải đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, xây dựng các mô hình, chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định ý nghĩa của Ngày người tiêu dùng Việt Nam đối với người tiêu dùng và sự phát triển của nền kinh tế. Để phát động và kêu gọi các phong trào hưởng ứng, Bộ trưởng đã công bố chủ đề của các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2016 là "Quyền được an toàn của người tiêu dùng".

Việc Bộ Công Thương lựa chọn và công bố chủ đề cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng năm nhằm đảm bảo tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm trong quá trình hoạt động trên phạm vi cả nước.

Theo thống kê của Cục Quản lý Cạnh tranh, đến nay đã có 50 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện và đang bắt đầu triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục cũng có các hướng dẫn tới các Sở Công Thương trên toàn quốc là các địa phương sẽ thực hiện các hoạt động này kể từ sau lễ công bố.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố đã ban hành kế hoạch cho sự kiện này và ngay sau ngày hôm nay, thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động như treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội thảo chuyên đề để đồng hành cùng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục