Công đoàn ngành nông nghiệp thực hiện ba khâu đột phá

16:14' - 21/05/2018
BNEWS Ngày 21/5, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018- 2023 đã diễn ra tại Hà Nội.
Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Đại hội V, nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn ba khâu đột phá. Đó là, nâng cao chất lượng hệ thống; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát triển các nguồn lực để phục vụ hoạt động công đoàn.

Theo ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm kỳ 2018-2023 của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ thuận lợi đan xen. Đó là, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến các khu vực sử dụng nhiều lực lượng lao động, trình độ thấp. Do đó, vấn đề việc làm, trình độ kỹ năng tay nghề và đời sống người lao động trong các doanh nghiệp đang đặt ra cho tổ chức công đoàn những thách thức để đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tham luận tại đại hội, ông Lê Trọng Hiền, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cà phê Việt Nam chia sẻ, công đoàn tổng công ty luôn tập trung xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, phát triển đoàn viên và tích cực tham gia xây dựng Đảng.  Bởi, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm giúp các cấp công đoàn có căn cứ đề ra kế hoạch giải pháp xây dựng và củng cố hoạt động công đoàn, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở nâng cao tính chủ động, tự chủ về nội dung và phương pháp hoạt động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhiệm kỳ 2018-2023, công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu tăng thêm từ 3000 đoàn viên công đoàn trở lên; 100% đơn vị, doanh nghiệp trong ngành thành lập tổ chức công đoàn; 100% doanh nghiệp có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; trong đó, ít nhất 50% trở lên bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại B...

Công đoàn ngành sẽ tiếp tục đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động: đổi mới phương thức tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đối thoại tại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, tập trung thương lượng về tiền lương và những vấn đề cơ bản về quyền làm việc an toàn, phúc lợi tiến bộ...

Cùng với đó, thực hiện tốt công  tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, cơ sở. Công đoàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên và người lao động...  

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Công đoàn ngành đã chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. Công đoàn đại diện cho người lao động tham gia đóng góp ý kiến bảo vệ quyền lợi người lao động theo pháp luật thông qua xây dựng và thực hiện các quy chế phân phối thu nhập. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên được các cấp công đoàn đẩy mạnh, có 52 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nông sản an toàn để hỗ trợ giá cho đoàn viên công đoàn tỷ lệ giảm từ 5-20%...

Các hoạt động xã hội của Công đoàn ngành góp phần chia sẻ khó khăn với nhiều đối tượng trong và ngoài ngành: hỗ trợ hàng trăm nhà ở, nhà tình nghĩa ở các địa phương, ủng hộ lương thực, thực phẩm cứu trợ cho công nhân lao động nghèo cả nước, hỗ trợ gia đình đoàn viên, người lao động, ngư dân bị thiệt hại do bão lụt, hạn hán...

Công đoàn ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tổ chức, triển khai các phong trào theo hướng lồng ghép với thi đua của từng lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản, đào tạo, nghiên cứu, hành chính... làm cho phong trào thi đua vốn rất rộng và chung được gắn chặt chẽ với từng đơn vị ở các khối.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Thủy, hoạt động công đoàn đôi khi còn hành chính, thành tích, chưa có nhiều hoạt động thiết thực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động. Việc nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động trong ngành chưa được nhiều; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu…. Mô hình tổ chức của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam còn nhiều bất cập, dẫn đến việc chỉ đạo, phối hợp hoạt động với các Liên đoàn lao động địa phương còn nhiều hạn chế.

Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện chỉ đạo trực tiếp 20 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 91 công đoàn cơ sở  với tổng số 63.000 đoàn viên công đoàn (tổng số 65.000 lao động).

Tại đại hội, ông Vũ Xuân Thủy đã tái đắc cử làm Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2018-2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục