Công nhân lâu năm nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài 2: Có doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ đồng

15:31' - 29/07/2017
BNEWS Theo tính toán của Công ty Changshin Việt Nam, năm 2016, doanh nghiệp chi hơn 150 tỷ đồng để trả lương cho công nhân (chưa tính tiền cho chuyên gia).

Tại Công ty Pouchen, dự kiến năm 2017, chỉ riêng tiền bảo hiểm, công ty phải đóng gần 39 tỷ đồng.

Hiện hàng năm ngoài tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp còn phải tăng lương theo thâm niên làm việc và từ năm 2018 mức đóng bảo hiểm tăng lên.

Chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra cho công nhân lớn tuổi ngày một cao, trong khi năng suất lao động không đổi đang khiến giới chủ tính toán đến lợi ích trong sử dụng lao động.

Năm 2016, doanh nghiệp chi hơn 150 tỷ đồng để trả lương cho công nhân (chưa tính tiền cho chuyên gia). Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ đồng cho người nghỉ việc

Báo cáo của Công ty Pouchen cho thấy, toàn công ty hiện có hơn 19.800 lao động; trong đó có 4.052 người làm việc trên 15 năm.

Đến đầu năm 2017, có 822 lao động làm việc trên 15 năm nghỉ việc theo chính sách khởi nghiệp công ty đưa ra và mức hỗ trợ, trợ cấp thôi việc cho số lao động này khoảng hơn 200 tỷ đồng, trung bình mỗi lao động nhận gần 250 triệu đồng.

Hiện Công ty Pouchen đang trang bị một số máy móc mới, hiện đại thay thế cho máy móc cũ nhằm nâng cao năng suất, giảm sức lao động của con người.

Việc thay máy móc mới có thể làm giảm 10% số lao động so với hiện tại (khoảng 2.000 người).

Để giải quyết dư thừa công nhân, năm 2017, công ty sẽ không tái ký hợp đồng lao động đối với hơn 700 người.

Hiện bình quân mỗi năm có khoảng 1.500 công nhân tại Công ty Pouchen tự nguyện thôi việc.

Năm 2017, sản xuất kinh doanh của Công ty Pouchen gặp khó khăn, đơn hàng giảm 30% so với năm trước.

Trước đây, Công ty Pouchen xây dựng nhiều bậc lương (22 bậc), quy chế nâng lương không chặt chẽ, dẫn đến tiền lương lao động lâu năm quá cao trong khi năng suất lao động không tương ứng.

Theo báo cáo của Công ty Changshin Việt Nam, doanh nghiệp hiện có hơn 26.000 lao động; trong đó có gần 3.900 người làm việc từ 15 năm trở lên.

Đến cuối tháng 5/2017, toàn công ty có gần 440 công nhân lớn tuổi nộp đơn thôi việc theo chính sách hỗ trợ người lao động tạo dựng công việc và cuộc sống mới. Công ty chi gần 90 tỷ đồng cho số công nhân này.

Công ty Changshin Việt Nam đã phối hợp với ngành bảo hiểm tổ chức 2 buổi tuyên truyền cho lao động tự nguyện nghỉ việc, giải quyết đầy đủ chế độ của công nhân.

Lợi ích lâu dài

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người làm lâu năm mới diễn ra ở Đồng Nai; chủ yếu ở các công ty sử dụng đông lao động, chuyên về dệt may, giày da.

Ngoài Công ty Pouchen và Công ty Changshin Việt Nam thì Công ty Splendour (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1), Công ty Cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng đang thực hiện chương trình này.

Một số doanh nghiệp đang dự kiến áp dụng hình thức hỗ trợ cho công nhân nghỉ việc, như: Công ty TNHH Epic Designers, Công ty TNHH May mặc Toptex, Công ty TNHH Mitsuba M-tech Việt Nam,...

Bên cạnh doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, chi tiền hỗ trợ cho công nhân lớn tuổi nghỉ việc, thời gian tới, có thể sẽ xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sử dụng nhiều hình thức khác nhau để không sử dụng lao động lớn tuổi.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân tình trạng trên do lương tối thiểu vùng mỗi năm đều tăng (chưa kể doanh nghiệp tự xét nâng bậc hàng năm), người làm việc lâu lương cao song năng suất lao động tăng không tương xứng, thậm chí giảm theo tuổi tác.

Thực tế, tại doanh nghiệp có nhiều người làm trên 15 năm, lương cơ bản khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng năng suất lao động chỉ bằng hoặc thấp hơn người mới vào làm việc, lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2018, tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ gồm tổng thu nhập.

Với công nhân làm việc lâu năm, doanh nghiệp phải chi khoản tiền lớn trả lương, đóng bảo hiểm.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp để công nhân làm việc đến hết tuổi lao động mà họ chưa đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội (để hưởng lương hưu) thì doanh nghiệp gặp khó khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định hiện nay, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp lo Bộ luật Lao động sẽ sửa đổi, tăng tuổi nghỉ hưu. Khi độ tuổi lao động kéo dài chi phí và năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Cường nhận định: “Doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân lâu năm sẽ đạt được lợi ích lâu dài, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. May mặc, giày da cần lao động phổ thông, họ tuyển người trẻ, khỏe làm việc hiệu quả hơn, trong khi chi phí lương, bảo hiểm thấp”.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã giao đơn vị này nắm thông tin về chính sách giảm lao động lớn tuổi tại doanh nghiệp.

Sở nhận thấy, ngoài vấn đề tiền lương, lý do chủ yếu được các doanh nghiệp giải thích là đơn hàng giảm, cần nguồn lao động trẻ được đào tạo.

Đây là những lý do chính đáng song có thể gây ra những hệ lụy đối với người lao động nghỉ việc.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai cho biết: Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động như trên dựa vào ý chí giữa các bên, không vi phạm pháp luật lao động. Song tới đây có thể sẽ có doanh nghiệp đưa ra mức hỗ trợ thấp, sử dụng chiêu trò để “đẩy” công nhân lớn tuổi.

Việt Nam có đầy đủ văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động, vấn đề đặt ra là giám sát việc thực thi tại doanh nghiệp.

Hiện mỗi năm, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai đưa ra tòa án khoảng 500 vụ doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người trái luật.

Trong đó có nhiều vụ lao động làm việc trên 15 năm, đang hưởng mức lương cao nhưng công ty dùng “chiêu” điều chuyển vị trí công tác, ép họ thôi việc.

>>> Công nhân lâu năm nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài 1: Tiềm ẩn hệ lụy khó lường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục