Cung ứng điện mùa khô - Bài 1: Tìm mọi giải pháp không tiết giảm điện

10:56' - 03/06/2018
BNEWS Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chủ động tập trung các giải pháp về nguồn và lưới điện để đảm bảo cung ứng đủ điện.
Ngành điện miền Nam củng cố lưới điện trong mùa khô. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong các tháng cuối mùa khô và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chủ động tập trung các giải pháp về nguồn và lưới điện để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế của nhân dân tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

Trước mắt, để tiếp tục đảm bảo cung cấp điện liên tục và không điều hòa tiết giảm điện trong thời gian này, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, triển khai các công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới theo kế hoạch, Tổng công ty đẩy nhanh tiến độ các công trình chống quá tải lưới điện 110kV ở các khu vực tăng trưởng nóng như: Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt các dự án cấp điện cho khách hàng 110kV. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai chỉ thị tiết kiệm điện của Tổng công ty và các địa phương.

Trên thực tế từ đầu năm đến nay, EVN SPC điều hành cung cấp điện không tiết giảm phụ tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục, đáp ứng nhu cầu về điện để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Các Công ty điện lực thành viên cũng đã phối hợp với các Sở Công Thương xây dựng phương án cung cấp điện khi mất cân đối cung cầu, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách phụ tải ưu tiên cung cấp điện làm cơ sở thực hiện giải pháp cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Mùa khô năm nay, Tiền Giang là tỉnh có công suất sử dụng điện cao nhất được tính toán là 420 MW, tăng 7% so với năm 2017 với sản lượng ngày cao nhất dự kiến đạt hơn 8,3 triệu kWh, tăng 10%.

Kiểm tra an toàn lưới điện do người dân tự kéo. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô này, Công ty Điện lực Tiền Giang đã làm việc và ký thỏa thuận với 640 khách hàng sản xuất lớn trên địa bàn với các mức tiết giảm sản lượng và công suất 10% và 15% theo hình thức tự sắp xếp, cân đối giảm công suất và sản lượng điện khi có thông báo của ngành điện mà không phải cắt điện cưỡng bức.

Ông Nguyễn Điền Khoán, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết, trong trường hợp hệ thống điện bị mất cân đối cung cầu đột xuất, hệ thống sẽ tự động sa thải phụ tải theo tần số nhưng vẫn đảm bảo các tuyến đường dây ưu tiên cung cấp điện cho các khách hàng quan trọng, các khu/cụm công nghiệp, trung tâm hành chính thành phố, thị xã và huyện không bị mất điện; đảm bảo tính công bằng và luân phiên hợp lý giữa các khu vực.

Theo dự báo của Công ty Điện lực Bạc Liêu, tình hình phụ tải trong các tháng mùa khô năm nay sẽ tăng cao, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4-tháng 6, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 12% so với các tháng mùa khô năm ngoái. Tuy nhiên trên thực tế các tháng qua, Công ty vẫn bảo đảm cung ứng đủ điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu Trác Thanh Điền cho biết, định kỳ hàng tuần, Tổ điều hành cung cấp điện tại Công ty, các Điện lực trực thuộc kiểm điểm tình hình thực hiện trong tuần và đề ra kế hoạch cho tuần tiếp theo. Đồng thời rà soát và thống kê chi tiết các phụ tải mang tính chất thời vụ, đặc trưng của từng vùng; ưu tiên các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản như nước sạch, bệnh viện....

Bạc Liêu cũng là tỉnh có sản lượng nuôi tôm đứng thứ 2 của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Cà Mau với tổng diện tích nuôi hơn 26.400ha, tăng hơn 4.000ha so với năm 2017 với khoảng 8.538 hộ nuôi tôm. 

Để đảm bảo cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm, Công ty Điện lực Bạc Liêu đang đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện từ 1 pha lên 3 pha bằng nguồn vốn ODA, vốn khấu hao cơ bản của EVN SPC.

Song song với đó, Công ty Điện lực Bạc Liêu đã thiết lập kênh thông tin liên lạc trực tiếp giữa Công ty, các Điện lực trực thuộc và khách hàng sử dụng điện để trao đổi thông in kịp thời, thuận lợi qua điện thoại, website, tổng đài chăm sóc khách hàng, gặp gỡ đối thoại nhằm xử lý, giải quyết nhanh các thắc mắc, khiếu nại, tránh gây bức xúc cho khách hàng trong việc sử dụng điện.

Về vấn đề này, EVN SPC đã đề nghị UBND các tỉnh kiến nghị lên Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm. Đưa nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm côg nghiệp của tỉnh vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ cơ chế triển khai thực hiện cho phần đầu tư lưới điện.

Cụ thể như giao ngành điện tiếp nhận vốn và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư đồng bộ với kế hoạch phát triển ao nuôi tôm công nghiệp. Hoặc giao vốn cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chung đề án và sau khi hoàn tất giao cho ngành điện quản lý vận hành, sửa chữa để đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, bố trí đất hành lang tuyến đường dây để ngành điện thi công xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp. Đồng thời vận động và hỗ trợ nhân dân tiếp cận sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm

Hiện nay, do nguồn vốn vay ODA rất khó khăn, trong khi các ngân hàng trong nước bị hạn chế khả năng cho vay, trong khi nhu cầu đầu tư cho lưới điện là rất lớn. Do vậy, EVN SPC mong muốn sự hỗ trợ từ phía địa phương trong việc huy động nguồn vốn đầu tư lưới điện từ ngân sách tỉnh, vốn ứng trước của địa phương, khách hàng vay các tổ chức tín dụng địa phương nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư còn thiếu trong giai đoạn 2018-2020.

Riêng năm nay, nguồn vốn được EVN SPC đầu tư là 30 tỷ đồng cùng với dự án 2081 từ vốn của địa phương là 50 tỷ đồng thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 cấp điện cho các vùng lõm. Trong trường hợp không thu xếp đủ vốn thực hiện, Tổng công ty sẽ giãn tiến độ thực hiện các trong trình quá giai đoạn sau.

Hiện EVN SPC đã nhận được yêu cầu ứng vốn của các tỉnh gồm Tiền Giang, Cà Mau, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hậu Giang, Long An và Kiên Giang để đầu tư các công trình cấp điện nông thôn năm 2018 với tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giải quyết một phần bức xúc về cấp điện của bà con vùng sâu, vùng xa, các trạm bơm có nhu cầu đầu tư cấp thiết hay thực hiện cấp điện theo Tiêu chí số 4 về nông thôn mới.

Đối với địa phương, EVN SPC đề nghị UBND các tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất và sớm thông qua vị trí, hướng tuyến xây dựng các công trình điện đã được duyệt trong quy hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, kịp thời cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xét về tổng thể, tính đến đầu tháng 4/2018, EVN SPC có 2.513 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân có điện là 7,77 triệu hộ, đạt 99,53%; trong đó, số hộ dân nông thôn là 5,14 triệu hộ, đạt 99,34%./.

Bài 2: Sử dụng điện tiết kiệm và an toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục