Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt cần có cơ chế tài chính về đầu tư

19:45' - 28/10/2017
BNEWS Ngày 28/10, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV tổ chức khảo sát thực tế nhằm phục vụ thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về Dự án luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ảnh: Trung Nguyên- TTXVN

* Phải có thể chế phù hợp để xây dựng thành công đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai xây dựng các đặc khu hành chính - kinh tế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang từng bước được cụ thể hóa, Quốc hội cũng quyết liệt trong việc thông qua các cơ sở pháp lý.

Đồng thời, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai đảm bảo tính đồng bộ, hướng tới kinh tế tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi về những kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận định các đặc khu hành chính - kinh tế chỉ có thể thành công khi có thể chế phù hợp, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của người dân.

Trong đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh những yếu tố dẫn đến thành công trong xây dựng đặc khu như: cần có cam kết, quyết tâm của các lãnh đạo, chính quyền; phải có những ưu đãi riêng biệt và trao quyền tự chủ cao; sự hỗ trợ của Chính phủ về hạ tầng; phát triển khoa học công nghệ phối hợp với các ngành nghề ở địa phương; xây dựng và nuôi dưỡng được môi trường văn hóa sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh; đề ra được các mục tiêu rõ ràng, chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư, có thể cạnh tranh với những quốc gia trong khu vực; phát huy nguồn lực của địa phương.

* Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị về cơ chế về tài chính và đầu tư

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết: tỉnh Quảng Ninh cơ bản thống nhất với Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Chính phủ về các nội dung: các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng thời tỉnh Quảng Ninh mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ các nội dung cơ bản đã được nêu trong dự thảo Luật.

Về cơ chế về tài chính và đầu tư, ngoài các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa vào dự thảo Luật trình Quốc hội, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ ban đầu của Nhà nước trong thời gian nhất định để đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng. Nội dung này, dự thảo Luật đã có quy định nhưng chưa xác định cụ thể nguồn hỗ trợ và mức hỗ trợ.

Về nguồn hỗ trợ và mức hỗ trợ, Quảng Ninh đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù cho đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn được để lại toàn bộ 100% số thu ngân sách nội địa phát triển trên địa bàn đặc khu Vân Đồn năm 2030 để thực hiện một số chính sách đặc thù tại Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát về đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt tại Quảng Ninh. Ảnh: Trung Nguyên- TTXVN

Sau năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét các khoản phân chia giữa ngân sách Đặc khu Vân Đồn với ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Bổ sung có mục tiêu cho Đặc khu Vân Đồn trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập tương ứng 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh đang điều tiêt về ngân sách trung ương để đầu tư phát triển một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và thực hiện một số chính sách đặc thù quy định tại Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt

Về quy định về miễn trừ trách nhiệm, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Do đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là mô hình mới có những chính sách đột phá, tiên phong và thậm chí chưa có tiền lệ đòi hỏi phải có những quyết định nhanh chóng, đồng thời hệ thống pháp luật hiện hành còn có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau. Vì thế, những rủi ro xảy ra trong quá trình ra quyết định luôn hiện hữu.

Để tạo hành lang pháp lý cho chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dũng cảm, sáng tạo và đủ bản lĩnh, kịp thời đưa ra các quyết định bảo đảm xử lý nhanh, linh hoạt các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đề xuất bổ sung vào dự án Luật điều khoản quy định về miễn trừ trách nhiệm: “Không tiến hành các thủ tục pháp lý, tố tụng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối Trưởng Đặc khu, các thành viên chính quyền đặc khu đối với các sai sót hoặc thiệt hại không mong muốn, xảy ra trong quá trình các cán bộ trên thực hiện công việc và nhiệm vụ được giao phù hợp với các quyền hạn và trách nhiệm được quy định trong Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, trừ các thiệt hại là kết quả của các hành vi vi phạm pháp luật một cách cố ý hoặc bất cẩn của cá nhân thi hành công vụ”.

Quy định này cũng phù hợp với cách làm của nhiều quốc gia khi xây dựng đặc khu.

Sau buổi khảo sát thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, Quảng Ninh đã triển khai tốt nhiều dự án cơ sở hạ tầng, giao thông, sân bay... phục vụ quá trình xây dựng đặc khu Vân Đồn. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết đoàn công tác sẽ ghi nhận các ý kiến của phía tỉnh Quảng Ninh, các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt để báo cáo Quốc hội.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đã đi khảo sát thực tế địa hình, các dự án đường giao thông, sân bay đang được triển khai tại Vân Đồn để phục vụ việc hình thành đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt./.

>> Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo cú hích cho phát triển kinh tế đất nước

>> Lấy ý kiến về việc thành lập đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn trước 31/10

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục