Hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

16:50' - 20/09/2017
BNEWS Đảm bảo việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội cạnh tranh quốc tế.
Lấy ý kiến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Đại diện Vụ Quản lý các khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, căn cứ để lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là tại Kết luận số 21-TB/TW, Bộ Chính trị đã đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc tỉnh và yêu cầu cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật quy định…
Đảm bảo việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội cạnh tranh quốc tế, Chính phủ đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương.
Theo đó, không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Chính quyền địa phương tại ba đơn vị này là một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, có bộ máy giúp việc và các cơ quan chuyên môn. Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được chia thành các khu hành chính trực thuộc. Tại khu hành chính có Trưởng khu hành chính trực thuộc là người đại diện hành chính của Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Do không tổ chức hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nên một số thẩm quyền của hội đồng nhân dân cấp huyện theo quy định hiện hành được điều chuyển lên hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đặc khu được xác định là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, không xác định phân chia theo mô hình chính quyền cấp xã, phường phía dưới như thông thường nữa mà chỉ chia thành các khu hành chính. Đặc khu cũng không tổ chức như một cấp chính quyền với HĐND, UBND mà phân cấp mạnh thẩm quyền cho Trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức nhưng vẫn chịu sự giám sát của HĐND, UBND cấp tỉnh, phải báo cáo công tác, trả lời chất vấn trước các cơ quan này. Bên cạnh đó, sau phiên thảo luận lần đầu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, cơ quan soạn thảo luật thiết kế thêm Hội đồng tư vấn và giám sát do Thủ tướng thành lập trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ hoạt động song song với Trưởng đặc khu.
Ông Trần Huy Đông giải thích, thành phần hội đồng bao gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên, các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu… Việc giám sát của cơ quan này sẽ được báo cáo thẳng lên Thủ tướng. Mô hình này giống với cách làm của Hàn Quốc và Thái Lan hiện nay.
Tuy nhiên, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, nhìn lại cơ cấu chính quyền địa phương, đặc khu trực thuộc tỉnh và cấp tương đương huyện trực thuộc tỉnh.
"Tại sao chúng ta lấy mô hình cấp huyện, nếu hội đồng nhân dân của tỉnh có giám sát đặc khu thì rất khó bởi ngay giám sát cấp tỉnh còn khó chứ chưa nói đến đặc khu vốn được nhiều ưu đãi. Hơn nữa, ba đặc khu này được giao đất cho nhà đầu tư trong vòng 70 - 99 năm, toàn ở những nơi có địa thế nhạy cảm", ông Giao nói.
Ông Giao kiến nghị phải đưa đặc khu trực thuộc Trung ương để hạn chế việc tỉnh nào cũng đòi xây đặc khu, tỉnh nào cũng đòi ưu đãi như xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian trước đây.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, chỉ nên có Trưởng đặc khu, không tổ chức HĐND và UBND. Bởi vì UBND theo cơ chế tập thể, còn để giải quyết vấn đề nhanh thì bộ máy chính quyền được tổ chức phải gọn nhẹ, năng động, linh hoạt và tạo điều kiện cho nhà đầu tư là mục tiêu.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là phải tạo ra được mô hình nào đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ. Làm sao để đặc khu không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút những nguồn lực của thế giới và đó phải là những nhà đầu tư tiềm năng.
Theo đó, việc soạn thảo cơ chế phải nhằm vào mục đích phục vụ việc trên thì mới tạo được sức cạnh tranh cho các đặc khu của Việt Nam so với những đặc khu trong khu vực, ông Thiên đề cập…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục