Dán tem thông minh để quản lý giống cây trồng hiệu quả

15:14' - 16/03/2018
BNEWS Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, yếu tố quan trọng đầu tiên là chọn giống tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

Tuy nhiên, bởi nhiều yếu tố khách quan, khâu chọn giống và sử dụng giống cũng có lúc gặp bất trắc, khiến cho người sản xuất vui buồn lẫn lộn khi đưa ra quyết định chọn giống cho sản xuất.

Vui buồn với “được” và “mất”

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều loại giống cây trồng được sử dụng hiện nay phải trải qua khảo nghiệm thực tế trong thời gian từ 1 đến 3 năm mới có thể được công nhận đưa vào sử dụng, hoặc phải hủy bỏ.

Cũng chính vì sự khảo nghiệm này, đã dẫn đến những tình huống "dở khóc, dở cười" khi có loại giống cho năng suất cao như hồ tiêu, nhưng cũng có loại giống lại không đậu bông như cây lúa, ngô.

Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ thăm cánh đồng trồng giống lúa Nhật. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, nhiều năm qua, người dân huyện Bù Đốp đang sản xuất giống hồ tiêu du nhập từ nước ngoài và chưa được cấp phép lưu hành. Nhưng giống này lại cho năng suất tốt, hạt to, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu.

Câu chuyện giống tiêu du nhập vào Việt Nam xuất phát từ ông Trần Văn Cọp, ngụ tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, vào năm 2014, một lần sang Campuchia mang về và phát triển trên vườn nhà mình, gọi là giống tiêu Srilanka.

Giống tiêu này lại cho sản phẩm hạt tiêu tốt, từ 40 trụ, ông nhân giống mở rộng thành 400 trụ tiêu. Tiếng lành đồn xa, những người sản xuất hồ xung quanh cũng tự chia sẻ và nhân giống.

Trả lời cho việc tự nhân giống hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước cho biết, kể từ khi người dân tự phát nhân giống hồ tiêu này, Trung tâm giống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cũng đã thực hiện đề án khảo nghiệm giống tiêu dân gian này.

Trong thời gian 3 năm, nếu giống này biểu hiện tốt, mang lại lợi ích cho người sản xuất thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp giấy chứng nhận giống tiêu được phép lưu hành trên địa bàn tỉnh, trở thành giống cây được thương mại hợp pháp trong phạm vi tỉnh Bình Phước.

Trước biểu hiện tích cực của giống tiêu Srilanka, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cũng đã cấp giấy chứng nhận lưu hành giống này vào ngày 9/3/2018.

Ngược lại với sự tự tuyển chọn giống hồ tiêu, những người dân tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã khốn đốn với giống lúa KC06_1 sau khi gieo sạ lại không trổ bông, hoặc trổ bông nhưng đậu hạt ít, cho năng suất thấp hơn mong đợi của người dân, chỉ đạt 2 tấn/ha thay vì 7,7 tấn/ha theo như công bố.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến ngày 15/3/2018, toàn huyện Hồng Dân có hơn 100 ha sử dụng giống lúa này không trổ bông, chỉ là một cánh đồng lúa mà như… đồng cỏ.

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân cho biết, diện tích gieo sạ lúa mà không trổ bông nằm rải rác trên địa bàn huyện. Hầu hết giống lúa này do các công ty cấp giống phân phối cho các đại lý để cung cấp cho nông dân.

Trong 100 ha lúa bị thiệt hại, có 30 ha do Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cung cấp giống. Đến nay, sau khi huyện Hồng Dân công bố vấn đề, Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam và các công ty cung ứng giống khác đã hoàn trả số tiền mua giống cho các nông dân này.

Tuy nhiên, mức ảnh hưởng sâu xa hơn chính là nguồn thu nhập của các hộ dân sẽ bị ảnh hưởng vì không có lúa để thu hoạch và kiếm lời.

Có thể dán tem thông minh để quản lý

Trước sự tự phát trong việc tuyển chọn giống cho sản xuất đã đặt ra cho nhà quản lý và cơ quan chức năng vấn đề làm thế nào để hướng dẫn người dân sử dụng giống cây trồng hiệu quả. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, ngành nông nghiệp cũng được áp dụng để điều khiển sản xuất theo công nghệ 4.0.

TS Dương Văn Ni, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất nông nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho chính người sản xuất, cũng như người tiêu dùng.

Người sản xuất có thể sử dụng công nghệ điều khiển cả hệ thống phun thuốc bảo vệ cây trồng, hệ thống tưới tiêu để điều tiết nước, độ ẩm của đất, tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, cũng như thời gian vừa chăm sóc cây trồng tốt, vừa có thời gian tìm hiểu thị trường, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa.

Đối với giống cây trồng cũng không ngoại lệ, nếu đưa vào quản lý bằng công nghệ 4.0, người tiêu dùng sẽ tích cực hơn trong việc lựa chọn.

Đồng quan điểm với TS Dương Văn Ni, TS Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho rằng, với những loại giống đã được cấp phép lưu hành và thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cho dán tem thông minh để người tiêu dùng dễ dàng nhận dạng sản phẩm và lựa chọn.

Có như vậy, những cơ sở sản xuất giống mới chịu trách nhiệm với phần giống được cấp phép và phần giống không được cấp phép khó có cơ hội lưu hành trên thị trường, gây khó cho người sản xuất khi xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Như Hiến, Phó trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, theo quy định sản xuất và cấp phép lưu hành giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi tỉnh có thể thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng hiệu quả và cấp phép thương mại trong tỉnh đó.

Trong trường hợp giống cây đã được địa bàn tỉnh nhân giống cấp phép muốn lưu hành sang tỉnh khác, phải được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép lưu hành. Vì vậy, việc lưu hành giống hồ tiêu, cũng như giống lúa trong nội bộ tỉnh đó có sự khảo nghiệm của cơ quan chức năng tỉnh vẫn là hợp pháp, không trái với quy định của nhà nước.

Như vậy, việc sử dụng giống cây trồng tưởng chừng như đơn giản nhưng khi lựa chọn giống không đúng sẽ gây ra tổn thất không nhỏ cho nông dân nói riêng và nền nông nghiệp nói chung./.

>>>Kiên Giang: Giống lúa Nhật giúp xã viên làm giàu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục