Đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 không thể dùng “bài cũ”

13:49' - 26/02/2018
BNEWS Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực.
Hội nghị khoa học: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là cơ hội nhằm tìm hướng đi, giải pháp mới cho công tác đào tạo và phát triển của nhà trường nói riêng và hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công thương nói chung trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đối với ngành công thương, xét từ khía cạnh của các nhà cung cấp nguồn nhân lực cụ thể chính là các trường, các cơ sở đào tạo của Bộ hay từ phía cầu, từ các ngành, doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để sớm đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể trong bối cảnh có nhiều thay đổi với tốc độ rất cao.

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận còn có những cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới…” Bộ Trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp công nghiệp lần thứ tư; trong đó, việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số, đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của internet vạn vật.

“Chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, nhân lực chất lượng cao sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Mục tiêu trở thành nhà cung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế là vấn đề cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay tại thời điểm này.

Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông quân đội Viettel nhấn mạnh, cách mạng 4.0 là "cái mới thay thế cái cũ" và quan trọng là người ta có dám làm, dám thay đổi hay không. Đó cũng chính là cách mà Viettel vận hành, biến đổi và đào tạo nhân lực.

Nêu rõ về cách thức đào tạo nhân sự cho cách mạng 4.0, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số triết lý "ngược" đã được tập đoàn ứng dụng. Cụ thể, nếu trước đây người ta học trước rồi mới làm sau thì nay phải ngược lại, làm trước mới học sau. Bởi nếu đào tạo cho một người chưa biết gì thì không khác "nước đổ lá khoai". Các em cần phải tự học, tự biết từ 70-90% thì mới có thể nhận thức ra khi được giảng dạy.

Trước đây giáo viên là thầy thì nay giáo viên chỉ nên là huấn luyện viên, để học trò làm là chính. Việc giảng dạy nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành vì cơ hội nằm ở sự liên kết giữa các ngành. Hay nếu ngày xưa coi cách giải quyết vấn đề là câu chuyện chính thì nay phải tìm ra được vấn đề, đấy mới là điểm mấu chốt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục