Đâu là bài học chống thất thoát vốn nhà nước?

10:59' - 17/11/2017
BNEWS Trong suốt quá trình 30 năm cải cách, luôn xuất hiện các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn nhà nước dưới nhiều hình thức.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh yếu kém, thua lỗ đã để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế, làm méo mó hình ảnh và vai trò của kinh tế nhà nước, giảm lòng tin đối với chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.

Thực tế đó đặt ra câu hỏi vì sao các vụ việc kinh doanh thua lỗ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có dấu hiệu thuyên giảm và cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước?.

Để làm rõ hơn về vấn đề trên, BNEWS/TTXVN  xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Bài học chống thất thoát vốn nhà nước" của ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban, Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban, Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Hiệu quả tổng thể của khu vực DNNN ngày càng cải thiện.

Tuy vậy, trong suốt quá trình 30 năm cải cách, luôn xuất hiện các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn nhà nước dưới nhiều hình thức. Điều này đang đặt ra nhiều bài học để chống thất thoát nguồn vốn của nhà nước.

Đâu là nguyên nhân?

Năm 2009-2010, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) đứng trước bờ vực phá sản, nợ phải trả lên tới 86 nghìn tỉ đồng, không có khả năng tự cân đối dòng tiền, sản xuất đình trệ, 17.000 công nhân chuyển việc, bỏ việc, 5.000 công nhân bị mất việc làm.

Hiện nay, chỉ riêng ngành công thương đã xác định có 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc các lĩnh vực sản xuất phân bón, nhiên liệu sinh học, thép, xơ sợi polyester, công nghiệp tàu thủy, bột giấy... với tổng mức đầu tư 63 nghìn tỷ đồng, lỗ luỹ kế 16 nghìn tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư, có dự án ở mức âm vốn.

Kinh doanh yếu kém không chỉ làm suy yếu khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà còn để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế, làm méo mó hình ảnh và vai trò của kinh tế nhà nước, giảm lòng tin đối với chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.

Thực tế đó đặt ra câu hỏi vì sao các vụ việc kinh doanh thua lỗ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có dấu hiệu thuyên giảm và cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả, sớm phát hiện, cảnh báo kịp thời các trường hợp doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thất thoát tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất là những hạn chế căn bản của mô hình doanh nghiệp nhà nước liên quan đến vấn đề sở hữu và  trách nhiệm quản lý tài sản.

Mặc dù doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng và tồn tại khách quan trong mọi nền kinh tế trên thế giới, nhưng câu chuyện doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả luôn được bàn tới, thậm chí, bị coi là nhược điểm "không thể khắc phục". Và vì thế, rất nhiều quốc gia không để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh vì lợi nhuận.

Lý do nằm ở quan hệ sở hữu và động lực kinh doanh. Về bản chất, những người quản lý doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bằng tài sản không phải sở hữu của mình nên khó có thể nỗ lực hết mình để tối đa hóa giá trị tài sản, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh và thường không đủ cẩn trọng để đưa ra các quyết định đầu tư tối ưu nhất, thậm chí, còn lạm dụng để chi tiêu, trục lợi từ tài sản Nhà nước.

Hơn nữa, quyền tài sản sở hữu toàn dân đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa rõ ràng, tạo nên tình trạng "cha chung không ai khóc" về trách nhiệm quản lý và là cơ hội để phát sinh các hành vi tư lợi, bòn rút tài sản công.

Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp nhà nước tìm mọi cách để được phê duyệt các nguồn vốn đầu tư và các khoản mua sắm hơn là cần phải xem xét một cách thận trọng, hợp lý và khách quan về hiệu quả kinh tế của các dự án.

Thứ hai, cơ chế quản lý, giám sát còn nhiều bất cập, không ngăn ngừa được các vụ việc kinh doanh thua lỗ, thất thoái tài sản nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng được giao một khối lượng tài sản rất lớn để kinh doanh với quyền tự chủ ngày càng cao trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường. Tuy vậy, hệ thống giám sát việc quản lý, sử dụng những tài sản này không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, rất hình thức, thậm chí bị vô hiệu, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp/dự án thua lỗ do những yếu kém về năng lực và trình độ quản lý.

Không thể phủ nhận năng lực quản trị của phần lớn doanh nghiệp nhà nước đã cải thiện cùng với quá trình đổi mới của đất nước. Tuy vậy, còn nhiều doanh nghiệp nhà nước có năng lực và trình độ sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý và điều hành còn yếu hoặc không phù hợp, nhất là ở đội ngũ lãnh đạo quản lý. Các dự án thua lỗ lớn trong thời gian qua cho thấy những tồn tại về năng lực dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, trình độ quản lý và triển khai dự án.....

Làm gì để hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước?

Muốn nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tình trạng thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

Thứ nhất, về vấn đề sở hữu, thực tế cho thấy mô hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với cơ chế đặc thù ngày càng không phù hợp với môi trường kinh doanh cạnh tranh, vì vậy, cần chuyển toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thành công ty cổ phần, chỉ giữ lại các doanh nghiệp thuần túy cung cấp dịch vụ công ích.

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng cổ phần hóa, thu hút nhiều hơn cổ đông tư nhân, đặc biệt các cổ đông chiến lược nước ngoài, mở rộng tối đa diện doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần cổ phần nhà nước.

Quan trọng hơn, phải đổi mới toàn diện hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào kinh doanh trên nguyên tắc giảm thiểu, tiến tới thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp trong các ngành nghề kinh doanh cạnh tranh mà khu vực tư nhân có khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn.

Thứ hai, về cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước, yêu cầu cấp bách là phải có bộ máy, con người và công cụ thực hiện việc giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập thay vì để các bộ và Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm như hiện nay. Theo hướng này, cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Để quản lý hiệu quả cần có một trung tâm quản lý và giám sát các dòng vốn nhà nước đang đầu tư vào các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời cần thiết lập một hệ thống thông tin cập nhật, cũng như đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá để cơ quan chủ sở hữu có thể đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực quản lý điều hành trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cách thức nâng cao hiệu quả vốn nhà nước căn bản nhất vẫn là triệt để áp đặt cơ chế thị trường thực sự cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên mọi lĩnh vực hoạt động, trước hết cần áp dụng các thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Riêng về yếu tố nhân lực, cần thực hiện ngay chủ trương của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII là tách hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế công chức, viên nhà nước, thực hiện chế độ thị trường, hợp đồng lao động với tất cả các chức danh điều hành doanh nghiệp.

Cùng với đó sẽ là đổi mới mạnh mẽ về chế độ tiền lương, thu nhập, cơ chế giám sát, đánh giá, bổ nhiệm, cách chức, thay thế người quản lý doanh nghiệp theo cơ chế thị trường tương tự như khu vực doanh nghiệp tư nhân./.

Phạm Đức Trung
Trưởng ban, Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục