Đầu tư hệ thống truyền tải điện đồng bộ

07:06' - 15/02/2016
BNEWS Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang quyết tâm vươn lên hàng đầu Châu Á trong lĩnh vực truyền tải điện.

Tổng công ty đầu tư hệ thống truyền tải điện đồng bộ và hiện đại, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống điện truyền tải 5 năm và hàng năm theo Quyết định phê duyệt của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đấu nối các công trình nguồn điện…

Đi theo định hướng này, trước mắt trong giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, EVNNPT đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị truyền tải điện hàng đầu trong Cộng đồng các nước ASEAN.

Thi công trạm biến áp 500kV Pleiku 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, “nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả giai đoạn này đối với Tổng công ty là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động”, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT khẳng định.

Theo đó, năng suất lao động của EVNNPT sẽ tăng bình quân hàng năm 10%, sản lượng điện truyền tải bình quân đạt 30,5 triệu kWh/CBCNV vào năm 2020.

Các chỉ tiêu sản lượng điện truyền tải, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện truyền tải, suất sự cố, thời gian bình quân xử lý sự cố… đều phải thực hiện tốt, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

Tổng công ty cũng tách khâu dịch vụ và quản lý vận hành, xây dựng các trung tâm điều khiển xa và thực hiện trạm biến áp không người trực theo lộ trình.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết, ngay từ năm 2016, Tổng công ty sẽ phải đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện Quốc gia, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc – Nam; trong đó, sẵn sàng truyền tải sản lượng điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam cao hơn những năm trước đây, với tỷ lệ khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ của miền Nam, tương đương với khoảng 20 tỷ kWh.

Năm 2016 và những năm tiếp theo tỷ giá và chỉ tiêu nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2 yếu tố đáng lo ngại nhất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVNNPT.

“Số dư lỗ do chênh lệch tỷ giá năm 2015 chuyển sang năm 2016 là 2.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cuối năm 2015 là 2,81 lần, nếu không có giải pháp kịp thời làm lành mạnh tình hình tài chính thì năm 2016 tỷ lệ này sẽ cao hơn 3 lần, tức là sẽ không đảm bảo theo quy định”, ông Tường bày tỏ.

Công nhân truyền tải điện Gia Lai ở lại đón Tết, bảo vệ đường dây. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Vũ Ngọc Minh, Tổng Giám đốc EVNNPT cũng cho biết, trong bối cảnh các cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp với sự ra đời và áp dụng của các Luật sửa đổi như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, nhưng  năm 2016, Tổng công ty vẫn phải đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành 64 dự án truyền tải điện từ 220-500kV.

Điển hình là các dự án giải tỏa công suất các nguồn điện như đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho, nâng công suất trạm biến áp (TBA) 500kV Sơn La, đường dây đấu nối Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhà máy thủy điện Trung Sơn, đường dây 220kV Xêkaman 1 - Pleiku 2….

Các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải như TBA 500kV Pleiku 2, lắp đặt tụ bù tại 15 TBA 220kV, lắp đặt máy cắt kháng tại các TBA 500kV.

Trong năm 2016, EVNNPT cũng tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội, T.p Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam như TBA 500kV Phố Nối, Đông Anh, đường dây 500kV Đông Anh - Hiệp Hòa - Bắc Ninh 2, các TBA 220kV Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh, Tây Hà Nội, Bắc Ninh 3, Mỹ Xuân; đường dây 220kV Tây Hà Nội…

Cùng đó là các dự án cấp điện cho các phụ tải quan trọng và chống quá tải như: lưới điện 220kV cấp điện cho nhà máy luyện nhôm Đăk Nông; các dự án lắp đặt máy biến áp số 2 tại TBA 500kV Nho Quan, các TBA 220kV Yên Bái, Hà Tĩnh, Bỉm Sơn, Kim Động, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Thường Tín, Thạnh Mỹ, Hòa Khánh; các TBA 220kV Ngũ Hành Sơn, Mỹ Xuân, Vũng Tầu, Hàm Tân….

Bên cạnh đó, EVNNPT còn hoàn thiện các thủ tục để khởi công 52 dự án khác. Điển hình là các dự án đồng bộ với các nguồn điện, các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải để đảm bảo cấp điện cho miền Nam; Các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội; Các dự án chống quá tải và đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng....

Trước mắt, theo ông Vũ Ngọc Minh, Tổng công ty tập trung điều hành các dự án đã khởi công trong năm 2015 để đưa vào vận hành trong năm 2016 theo đúng đường găng, nhằm đảm bảo tiến độ các dự án TBA 500kV Pleiku 2, đường dây 220kV Xêkaman 1 - Pleiku 2, đường dây 500kV Đông Anh - Hiệp Hòa - Bắc Ninh 2, TBA 500kV Phố Nối, Đông Anh, các TBA 220kV Đông Anh, Long Biên, Tây Hà Nội, Bắc Ninh 3.

Đồng thời tập trung triển khai lập và phê duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư để chủ động thu xếp vốn cho các dự án cần đưa vào vận hành sau năm 2016 như lưới điện đồng bộ với Trung tâm điện lực Vân Phong, Hải Dương, Sông Hậu, Nam Định….

Các dự án lưới điện 220kV để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và cấp điện cho các phụ tải, đặc biệt đối với các dự án đã dự kiến vay vốn phân kỳ 4 của ADB, vay vốn dư AFD, giai đoạn 2 vốn KfW để đảm bảo tiến độ triển khai các thủ tục đối với các khoản vay theo đúng yêu cầu đề ra./.

Xem tiếp: Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục