Đẩy mạnh hợp tác quốc tế giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu

17:31' - 18/05/2017
BNEWS Năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỷ đồng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tổn thương nhiều nhất, thiệt hại 1 triệu tấn lúa trong vụ Đông Xuân.
Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Ngày 18/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UNICEF tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn do UNICEF tài trợ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được và các bài học rút ra từ việc thực hiện chương trình ứng phó khẩn cấp với hạn hán, xâm nhập mặn được hỗ trợ bởi UNICEF triển khai trong năm 2016 tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên cả nước.
Các đại biểu cũng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thống nhất với việc đưa ra các định hướng tương lai về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời kêu gọi tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, trường học và cơ sở y tế...
Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF cam kết đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chông thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan nhằm duy trì những kết quả đã đạt được thông qua các dự án chú trọng giảm nhẹ thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Việc hỗ trợ khẩn cấp này có tác động nhất định, tạo ra phương thức ứng phó với tác động của thiên tai. Đảm bảo tính kịp thời trong ứng phó với thiên tai; giúp cho địa phương có cách thức huy động các nguồn lực thực hiện. Đồng thời, tỉnh có kế hoạch chủ động hơn trong thời gian tới trong ứng phó với thiên tai".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra liên tiếp với cường độ lớn, phạm vi rộng gây nhiều tổn thất về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Điển hình nhất là năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỷ đồng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tổn thương nhiều nhất, thiệt hại 1 triệu tấn lúa trong vụ Đông Xuân.

Bên cạnh đó, 1 triệu người thiếu nước sạch ở khu vực Tây nguyên Nam Trung bộ và vùng nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016, ngân sách nhà nước đã chi 5.400 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai; cấp 23.000 tấn gạo cho các vùng bị thiệt hại...
Đặc biệt là tổ chức UNICEF đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục