Đề xuất cơ sở pháp lý cho đào tạo, phát triển nghề làm đẹp tại Việt Nam

19:44' - 21/03/2018
BNEWS Người làm nghề làm đẹp đòi hỏi không chỉ có kỹ năng chuyên môn nghề mà còn phải có những kiến thức về các lĩnh vực liên quan như y tế, dược phẩm, mỹ phẩm...

“Đề xuất cơ sở pháp lý cho đào tạo, phát triển nghề làm đẹp tại Việt Nam - Từ kinh nghiệm Nhật Bản” là chủ đề Hội thảo diễn ra ngày 21/3 tại Hà Nội, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Công ty Rapport Hair Group Ltd, phối hợp với Hiệp hôi dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức.

Tại Hội thảo, các chuyên gia về lĩnh vực làm đẹp đã tập trung thảo luận những quy định pháp lý cần thiết trong cấp chứng chỉ hành nghề cũng như những quy định tiêu chuẩn về vệ sinh chung khi triển khai kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam.

Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội cho biết, nghề làm đẹp không chỉ là những nghề đơn thuần liên quan đến kỹ thuật, mà còn là nghề có liên quan đến nhiều lĩnh vực như y học, dược học, mỹ học.

Do vậy người làm nghề đòi hỏi không chỉ có kỹ năng chuyên môn nghề mà còn phải có những kiến thức về các lĩnh vực liên quan như y tế, dược phẩm, mỹ phẩm... thậm chí một số nghề còn đòi hỏi phải có năng khiếu về nghệ thuật… và khi hành nghề phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nghề làm đẹp vẫn đứng trong top đầu những ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay tại Việt Nam.

Các dịch vụ thẩm mỹ vì vậy mà ngày càng đa dạng, không chỉ hoàn thiện nhan sắc mà còn đem đến giải pháp hữu ích phục hồi sức khỏe, tinh thần cho mọi người. Việc tổ chức đào tạo nghề thẩm mỹ, phát triển nghề thẩm mỹ là nhu cầu cần thiết của xã hội và được coi là nghề đem lại cơ hội việc làm cao cho thanh niên hiện nay.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thúy Nga, Phó chủ tịch Hội đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, hiện nay sự phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp, các cơ sở đào tạo nghề làm đẹp còn tuỳ tiện, thiếu sự quản lý về chất lượng, thiếu an toàn về vệ sinh lao động, chưa có quy định riêng cho việc thành lập các salon tóc, nail (làm đẹp về móng)…

Ông Hironobu Kitagawa -Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội- cho biết, về chế độ xây dựng chính sách xã hội với ngành làm đẹp, Nhật Bản có kinh nghiệp lâu năm. Việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản để đưa ra quy định, quy tắc trong ngành làm đẹp -chủ đề của hội thảo- chính là do JETRO đề xuất.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội phát biểu tại Hội Thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

JETRO mong muốn có cơ sở pháp lý về một số quy tắc, quy định dành cho ngành làm đẹp. Ông Kitagawa cũng cho rằng, ngành làm đẹp tạo ra một giá trị gia tăng không nhìn thấy được, đó là mang lại sự thoả mãn và sự tự tin cho khách hàng. “Tôi mong rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn”. Ông Hironobu Kitagawa nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục