Đề xuất phương án doanh nghiệp tự quyết định giá nước sạch

17:30' - 09/11/2017
BNEWS Theo Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương, cần nghiên cứu giải pháp giao doanh nghiệp quyết định giá nước sạch khi quy định cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo quốc tế ngành nước được Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/11, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho biết, phát triển ngành nước theo hướng bền vững là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách ngành nước, dự kiến Luật Cấp nước sẽ được ban hành năm 2019, Luật Thoát nước và Xử lý nước thải sẽ được ban hành sau năm 2020, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành nước và hiệu quả đầu tư phát triển cấp thoát nước.

Theo bà Mai Thị Liên Hương, Bộ Xây dựng đang định hướng xây dựng một số chính sách mới trong quản lý cấp nước như quy định người dân có quyền được tiếp cận nước sạch nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện đảm bảo an ninh cấp nước và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước, quy định hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, xây dựng định hướng quy định thống nhất hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, riêng đối với cấp nước nông thôn, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo quy định là dịch vụ công ích hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng có sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước.

Khi quy định cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, cần nghiên cứu giải pháp giao doanh nghiệp quyết định giá nước sạch. Theo đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố thẩm định phương án giá nước và doanh nghiệp quyết định giá nước sau khi có văn bản thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Quy định việc lập quy hoạch cấp nước trong vùng, việc cấp nước không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà có sự liên kết giữa các địa phương, giữa nông thôn và thành thị.

Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, ngành nước hiện còn nhiều hạn chế, bất cập như việc quy định cấp nước vừa là dịch vụ công ích vừa là sản xuất kinh doanh gây vướng mắc trong bất cập quản lý.

Khi xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, nhà nước chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tư nhân thực hiện cung cấp nước nhưng thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và vai trò, quyền lực quản lý nhà nước còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, giao 2 bộ ngành quản lý cấp nước đã hình thành các khác biệt giữa đô thị và nông thôn từ xây dựng định hướng chiến lược và quy định cấp nước riêng đến quản lý chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước và chất lượng đầu tư công trình.

Các địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả quản lý rủi ro cấp nước. Giá nước sạch thường thấp hơn phương án giá nước của doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá nước chưa kịp thời so với thực tiễn.

Trong ngành nước Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đạt 90%, tổng công suất các nhà máy nước đạt 8,5 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 84,5%. Tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước sạch chiếm đến 23% và tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 14%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục