Đề xuất thuế quan zero có lợi cho Tổng thống Trump

05:30' - 20/07/2018
BNEWS Chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các mặt hàng ô tô, nhôm và thép nhập khẩu đã khiến một số nước đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE/TTXVN
Ngay sau khi Mỹ chính thức áp mức thuế quan mới trị giá hơn 30 tỷ USD đối với nhiều thiết bị điện tử và mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc, các ngành công nghiệp trong nước của Mỹ như lúa mỳ, đậu nành, thịt lợn, rượu ngô, quần bò xanh - và thậm chí cả tôm hùm Maine, có nguy cơ phải đối mặt với các đòn đáp trả từ Trung Quốc.

Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Mỹ. Thậm chí tồi tệ hơn, các biện pháp đáp trả theo kiểu “ăn miếng trả miếng”của Trung Quốc được sử dụng như một vũ khí chính trị nhằm kích động sự phản đối của các cử tri ủng hộ Tổng thống Trump ở các bang phía Nam và miền Trung Tây nước Mỹ. 

Các mức thuế quan mà Trung Quốc tuyên bố áp dụng đối với hàng hóa từ Mỹ nhằm gây thiệt hại cao nhất về kinh tế đối với các nhà sản xuất của Mỹ, khiến Tổng thống Trump phải rút lại chính sách thuế quan của mình. Tuy nhiên, rút lui chưa và sẽ không bao giờ là lựa chọn của Tổng thống Trump.

Để có một chiến thắng quyết định, Tổng thống Trump sẽ cần phải thấy rằng quyết định của ông là hợp lý trong cuộc chiến thương mại mà ông bị cáo buộc là người gây ra. Trung Quốc lên án Tổng thống Trump “đã nổ phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Giới phân tích của Mỹ chỉ ra rằng, theo một báo cáo từ Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, mức thuế quan của Trung Quốc trung bình là 10% trong khi đó thuế quan của Mỹ chỉ gần 3,5%.  Đó là chưa kể các rào cản thương mại phi thuế quan gây khó khăn cho các công ty Mỹ khi bán sản phẩm sang Trung Quốc.

Hơn thế nữa, Mỹ mua hàng từ Trung Quốc nhiều gấp 3 lần Trung Quốc mua hàng từ Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều công ty của Mỹ phàn nàn rằng, để làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc, họ phải tiết lộ bí mật thương mại và bằng sáng chế, và trong một số trường hợp còn phải giao nộp quyền sở hữu của công ty.

Thậm chí các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng không tạo ra một sân chơi bình đẳng. Hội đồng tư vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết mức thuế quan của những nước này cao hơn khoảng 30% so với của Mỹ. Đó là chưa kể 10-20% thuế giá trị gia tăng được áp vào các sản phẩm của Mỹ khi đến châu Âu. Chính vì lẽ đó mà Tổng thống Trump từng nói với các đồng minh rằng ông không chống lại thương mại tự do, nhưng phải có sự đối ứng trong quan hệ thương mại.

Đây chính là điểm để Tổng thống Trump có thể và nên thay đổi những quan điểm trong cuộc tranh luận. Ông Trump nên bắt đầu lại với một đề nghị mà ông đưa ra tại cuộc họp G7 gần đây ở Quebec (Canada) với các nước châu Âu, Nhật Bản và Canada: Đó là mức thuế quan zero. Ông Trump đã thách thức các nhà lãnh đạo khác bằng cách đề xuất: "Chúng ta nên xem xét tới việc không có thuế quan, không có rào cản - loại bỏ tất cả".

Có thể thấy không nhà lãnh đạo nào, ngoại trừ Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảm thấy thích thú với ý tưởng này. Một mặt, những quốc gia này thích thú với việc chỉ trích Tổng thống Trump như một kẻ gây chiến thương mại, nhưng mặt khác lại giữ những rào cản thương mại bảo vệ nền công nghiệp trong nước không thể biện hộ được.

Để khẳng định mình có lý cũng như chấm dứt trò chơi trong cuộc tranh luận về thương mại, Tổng thống Trump nên nhắc lại lời đề nghị đó. Đây chính là ý tưởng của Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow. Mức thuế quan zero sẽ là chiến thắng cuối cùng cho thương mại công bằng và hoàn toàn tự do, và điều đó cũng sẽ có lợi cho Mỹ nhiều nhất bởi nước này áp dụng các rào cản thương mại ở mức thấp nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục