Dịch bệnh hoành hành trên nhiều diện tích hồ tiêu ở Bình Thuận

18:22' - 09/02/2018
BNEWS Cây hồ tiêu từ lâu là cây trồng chủ lực của huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, gần đây bệnh chết nhanh, chết chậm hoành hành, khiến nhiều diện tích cây hồ tiêu bị thiệt hại nghiêm trọng.
Dịch bệnh hoành hành trên nhiều diện tích hồ tiêu ở Bình Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Đức Linh, hiện toàn huyện có 2.060 ha cây hồ tiêu, tăng gần 80 ha so với năm 2016, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 1.900ha với sản lượng khoảng 3.800 tấn/năm.

Từ tháng 6/2017 đến nay, tình hình dịch bệnh bùng phát. Diện tích cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh liên tục tăng. Đến nay, toàn huyện có 685 ha trong đó có 609 ha bị nhiễm nặng và 76 ha nhiễm nhẹ, trung bình. Diện tích cây hồ tiêu nhiễm bệnh tập trung tại các xã Đức Hạnh, Trà Tân, Tân Hà, Đông Hà…
Theo một số nông dân, thấy tình hình dịch bệnh phức tạp người dân đã chủ động sử dụng nhiều loại thuốc phòng ngừa nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt vẫn không được kiểm soát. Ban đầu cây tiêu phát triển bình thường, đến giai đoạn làm chuỗi thì nhiễm bệnh.

Đối với bệnh chết nhanh, ban đầu các mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1 - 2 tuần. Còn bệnh chết chậm thì thường gây vàng lá, cây còi cọc, lá và đốt dây rụng dần, sau 2 – 3 tháng thì cây chết.
Ông Nguyễn Minh Nghị, Phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đức Linh cho biết, tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu mà chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục lan rộng và có diễn biến ngày càng phức tạp. Trước đây, do giá hạt tiêu lên cao nên người dân tự phát ồ ạt trồng trên các chân đất trũng thấp, ngập úng, mặt khác lạm dụng phân hóa học và phân bón lá quá nhiều.
Ngoài ra, năm nay, lượng mưa nhiều và thất thường gây ngập úng và độ ẩm cao tạo điều kiện cho nấm bệnh lây lan và gây hại trên diện rộng. Hiện tại, địa phương đã tiến hành thống kê, đánh giá tình hình dịch bệnh để báo cáo về Sở nông nghiệp phát triển nông thôn và Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để có hướng giải quyết và định hướng canh tác cho bà con trong thời gian tới.
Trước tình hình bệnh lây lan mạnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên hạn chế sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật mà thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Đồng thời, tuân thủ đúng theo quy trình phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.

Người dân nên làm mương thoát nước trong vườn tiêu và tỉa bớt những cành làm trụ đỡ không cần thiết để vườn cây thông thoáng. Bên cạnh đó, việc nhanh chóng thu gom cành tiêu đã chết về một nơi quy định, dùng vôi bột khử trùng vùng bệnh… là việc làm cần thiết.

Về lâu dài, Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy trình phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu./.

>>> Ngành hồ tiêu trước áp lực tái cơ cấu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục