Tái cơ cấu ngành hồ tiêu - Bài 2: Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng

16:30' - 29/01/2018
BNEWS Theo các chuyên gia, hồ tiêu là một sản phẩm gia vị, ngoài những đặc trưng cần có thì sản phẩm cần phải được sản xuất thật sạch và không thể quá nhiều sản lượng.

Do vậy, việc tái cơ cấu lại ngành hàng hồ tiêu cũng phải tập trung giải quyết hai vấn đề này thì mới có thể phát triển bền vững trong gian tới.

* Ngừng trồng mới trong vòng 4-5 năm

Giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, nhu cầu sản phẩm tiêu của thế giới trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên mức tăng trưởng không cao, chỉ duy trì khoảng 2,5-3%/năm.

Trong khi đó, các dự báo cũng cho thấy nguồn cung tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục vượt cầu và có sự tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới trong giai đoạn 2017-2020. Điều này sẽ khiến giá tiêu tiếp tục có xu hướng giảm trong những năm tới.

Tại hội nghị về hồ tiêu mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các địa phương tập trung giảm diện tích ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn… không nên phát triển ồ ạt diện tích và sản lượng.

Trước tình hình cung cầu hồ tiêu hiện nay, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay là ngưng không trồng mới, cắt giảm diện tích sản xuất và ổn định ở mức 100.000 ha, với mức sản lượng từ 180.000-200.000 tấn/năm.

Để cắt giảm diện tích sản xuất, ngành hồ tiêu và các địa phương cần khuyến khích người nông dân không trồng mới trong năm 2018. Đồng thời, rà soát lại các diện tích không đủ điều kiện trồng trọt hoặc những vườn tiêu bị sâu bệnh, vườn tiêu năng suất thấp dưới 1 kg/trụ thì khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng sang các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), với xu hướng thị trường hiện nay, người nông dân phải dũng cảm đối diện với thực tại này. Hiện nay, có nhiều người cứ nghĩ giá xuống tới mức 60.000 đồng/kg đã là thấp rồi nên vẫn nuôi hy vọng sang năm sẽ tốt hơn rồi lại trồng mới, tái canh. Nhưng đó là cách nghĩ sai, còn chạy đua năng suất mà sai quy trình sẽ càng tai hại.

“Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, không thể 1-2 năm giá xuống thấp rồi sẽ lên lại mà cần thời gian nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi đang vận động, khuyến cáo bà con ngưng trồng mới trong vòng 4-5 năm và nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu”, ông Bính cho biết.

* Sản xuất sạch – hướng phát triển bền vững

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vấn đề an toàn vệ sinh chất lượng hồ tiêu đang được các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu thực phẩm của Mỹ đã bắt đầu thực thi, EU hạ thấp tỷ lệ MRL mức cho phép của dư lượng thuốc trừ sâu…

Do vậy, việc tái cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất sạch, hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất là rất cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu trong thời gian tới.

Trên thực tế, hồ tiêu là một loại gia vị nên thường được các nhà nhập khẩu yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm. Những doanh nghiệp, hộ nông dân tập trung vào sản xuất, chế biến hồ tiêu sạch, hồ tiêu hữu cơ có chứng nhận quốc tế thường được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10-30%.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) cho biết, kể từ khi thành lập năm 2014 đến nay, hợp tác xã đã định hướng liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu sạch với vùng nguyên liệu khoảng 1.200 ha để xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu trồng tiêu sạch theo quy trình của hợp tác xã, nông dân sẽ được đảm bảo đầu ra với mức giá cao hơn thị trường 7-10%; còn sản xuất hữu cơ thì cao hơn từ 30-50%.

Theo ông Luân, dù giá hồ tiêu đang bị sụt giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới, tuy nhiên việc sản xuất hồ tiêu sạch, kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm sẽ giúp hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững. Về phần người nông dân, lúc đầu họ cứ nghĩ trồng tiêu sạch rất khó nhưng khi được hỗ trợ kiến thức thì họ lại thấy đơn giản.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu hiện nay cũng cho biết, trước đây, xuất khẩu hồ tiêu của doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn do vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm.

Tuy nhiên, từ năm 2012, công ty đã “bắt tay” với nhiều hộ nông dân thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế Rain Forest. Đến năm 2014, Phúc Sinh đã có chứng nhận này. Nhờ đó, mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu 20.000 - 25.000 tấn hạt tiêu; trong đó 40% trong số này được xuất sang thị trường EU.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, trước đây, hồ tiêu Bình Phước khi kiểm tra, chỉ khoảng 50% đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, khi Dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững trong ngành hồ tiêu do Công ty Nedspice phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Phước và nông dân thực hiện thì chất lượng sản phẩm tiêu đã được cải thiện đáng kể. Trong năm 2017, lượng tiêu thu hoạch thuộc dự án qua kiểm tra có tới 82% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU.

Rõ ràng, những dẫn chứng trên cho thấy, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam sẽ phát triển tốt nếu tập trung giải quyết tốt khâu nguyên liệu sản xuất đồng ruộng, tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn chặt với yêu cầu thị trường. Hồ tiêu sạch các loại, có thương hiệu, có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng chỉ xã hội – môi trường… sẽ dễ dàng tiêu thụ với giá trị gia tăng cao hơn, giúp ngành hàng này phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục