Dịch sốt xuất huyết: Nhập viện ngay khi thấy những dấu hiệu này

13:07' - 01/08/2017
BNEWS Những dấu hiệu sau đây là biểu hiện của bênh sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng gấp 6-7 lần. Các bệnh viện quá tải, chỉ những trường hợp nặng, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mới được nhập viện theo dõi. Đa phần bệnh nhân được cho điều trị ngoại trú và tái khám theo hẹn.

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bệnh thường diễn biến 7 - 10 ngày. 4 ngày đầu người bệnh sốt rất cao 39-40 độ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức hố mắt, đau đầu. Tuy nhiên, 1 - 3 ngày đầu toàn trạng bệnh nhân khá ổn, không nguy hiểm đến tính mạng.

Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, nhiều người bệnh cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng, cần được theo dõi. Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...

Các bác sĩ cho biết dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp nếu tự ý hạ sốt, mua thuốc sẽ rất nguy hiểm. Khi bị sốt, chưa xác định sốt vi rút hay sốt gì tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu cần hạ sốt chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ.  Không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Cần chú ý bù nước, tốt nhất là uống oresol; nếu không thì nước hoa quả, nước dừa, nước rau..., thậm chí nước lọc cũng rất tốt. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trẻ nhỏ bệnh, cha mẹ nên nghỉ làm ở nhà theo dõi sức khỏe con để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng.

Dưới đây bác sĩ chỉ ra 5 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng người bệnh cần lưu ý:

- Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì.

- Nôn tăng.

- Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau.

- Tiểu ít số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn.

- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: Chân răng, máu cam...

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để xác định người bệnh nặng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bộ Y tế khuyến cáo: Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; đồng thời cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Thêm vào đó, người dân nên mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục