Sắp có vắc xin phòng sốt xuất huyết tại Việt Nam

16:07' - 27/07/2017
BNEWS Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 11/2017, công trình nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết mà đơn vị này phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur của Pháp sẽ hoàn thành.
Khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai đang trong tình trạng quá tải, có phòng bệnh lên tới 4 bệnh nhân/1 giường (ảnh chụp sáng 27/7/2017). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Bên cạnh những lý do như sự thay đổi của thời tiết, môi trường, theo Bộ Y tế, sự biến đổi giữa các tuýp vi rút sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay trở nên phức tạp, điều đáng nói số lượng ca bệnh sốt xuất huyết bị sốc, biến chứng cũng ngày càng gia tăng.

Gia tăng trường hợp biến chứng nặng

Theo số liệu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 7 tháng đầu năm 2017 trong số hơn 5.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện này có gần 300 trường hợp bị biến chứng nặng, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, theo Tiến sỹ, Bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện này tiếp nhận gần 2.000 ca nhập viện. Đặc biệt từ tháng 6 đến nay, số ca bệnh liên tục tăng cao, trung bình 80-90 ca nhập viện mỗi tuần. Do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng nên số ca bệnh nặng cũng tăng theo, tỷ lệ ca bệnh nặng chiếm khoảng 10% số ca nhập viện.

Ghi nhận sáng 25/7, trong số 110 ca nhập viện có 9 ca bệnh nặng, sốc, đang được điều trị tích cực. Phần lớn các ca bệnh nặng đều làm giảm tiểu cầu đi kèm rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, sốc, suy đa cơ quan, biến chứng viêm cơ tim…
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, năm nay bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ tăng nặng lên. Trong tổng số các bệnh nhân được theo dõi thì khoảng 10% sốc, 20% có dấu hiệu cảnh báo nặng.
Phân tích nguyên nhân nhiều ca nhập viện có biến chứng nặng, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chủng vi rút sốt xuất huyết Dengue lưu hành tại Việt Nam hiện có 4 tuýp, cứ 1 lần nhiễm vi rút thuộc tuýp nào thì sẽ miễn dịch suốt đời với tuýp vi rút đó. Do vậy, mỗi người dân Việt Nam sẽ có nguy cơ mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần.

Tuy nhiên, năm nay đang ghi nhận có sự dịch chuyển tuýp vi rút gây bệnh giữa các vùng miền. Cụ thể, nếu những năm trước khu vực miền Bắc phổ biến tuýp vi rút sốt xuất huyết D2, khu vực miền Nam chủ yếu tuýp D1 và D4, thì năm nay miền Bắc xuất hiện nhiều tuýp D4 còn miền Nam lại xuất hiện nhiều trường hợp mắc tuýp D2, khu vực miền Trung phổ biến ở 3 tuýp D1, D2 và D4.
“Với sự dịch chuyển này thì nhiều người dân dù đã bị sốt xuất huyết trước đó vẫn có nguy cơ tái mắc do chưa có được miễn dịch với các tuýp vi rút mới”, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Nguy hiểm hơn, một nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nếu đã mắc sốt xuất huyết 1 lần thì những lần mắc sau sẽ có xu hướng nặng hơn và nhiều khả năng biến chứng hơn.

Theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời

Từ đầu năm đến nay trên cả nước đã có hơn 50.000 người nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân của tình trạng tử vong là do bệnh có diễn tiến nặng, biến chứng, không điều trị kịp thời, trong đó có những trường hợp chuyển tuyến không an toàn.
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 4 trường hợp tử vong tại bệnh viện này từ đầu năm đến nay có đến 3 trường hợp do chuyển viện không an toàn.

Khi chuyển viện các bệnh viện tuyến dưới không tính đến thời gian vận chuyển bệnh nhân quá dài, từ 3-4 tiếng đồng hồ, do đó khi đến với bệnh viện tuyến trên thì không thể hồi sức kịp thời, dẫn đến bệnh nhân tử vong.

“Không phải cứ chuyển viện lên tuyến trên là tốt mà nên hướng dẫn cho các bệnh viện chủ động giữ bệnh nhân lại điều trị, nếu cần có thể gọi điện hội chẩn, hướng dẫn từ xa hoặc nhờ tuyến trên xuống hỗ trợ”, bác sỹ Châu kiến nghị.

Bệnh nhân Lê Thị Thu (25 tuổi) điều trị sốt xuất huyết đến nay là ngày thứ 3 tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp sáng 27/7/2017). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cùng với việc chuyển tuyến không an toàn, theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều sai lầm trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết khiến cho việc điều trị khó khăn và nguy cơ tử vong cao.

Trong đó nguy hiểm nhất là việc dùng thuốc hạ sốt không đúng cách bởi thuốc có thể che lấp dấu hiệu của sốt, nếu dùng quá liều còn có thể gây suy gan. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt do nó có thể làm xuất huyết tiêu hóa trầm trọng thêm.

Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế tuyến dưới và cơ sở y tế tư nhân thường truyền dịch cho người bị sốt xuất huyết để nhanh hạ sốt. Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn cảnh báo, truyền dịch sớm rất nguy hiểm, dễ gây thất thoát huyết tương ra ngoài, tràn dịch màng phổi, màng bụng nhiều hơn khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh cũng như tuyến Trung ương cần hạn chế các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, phân tuyến điều trị theo từng tuyến nhằm kịp thời cứu chữa bệnh nhân, không để dồn lên tuyến trên gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện.

“Khi các bệnh viện không bị quá tải thì việc chăm sóc người bệnh sẽ tốt hơn, theo dõi sát sao hơn, nguy cơ tử vong vì thế cũng sẽ giảm xuống”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế yêu cầu, khi người bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốt xuất huyết nặng phải được chuyển đến khám, điều trị tại chuyên khoa truyền nhiễm. Công tác theo dõi bệnh nhân cần tăng cường để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.

Đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần cần chú ý theo dõi diễn biến của người bệnh. Các trường hợp chuyển viện, phải thảo luận với tuyến trên để có xử trí thích hợp trước khi chuyển bệnh, đảm bảo chuyển viện an toàn.
Về lâu dài, để phòng chống sốt xuất huyết, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 11/2017, công trình nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết mà đơn vị này phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur của Pháp sẽ hoàn thành.

Sau khi kết thúc, đơn vị nghiên cứu vắc xin mất thêm 1 năm nữa để phân tích dữ liệu, như vậy đến năm 2018 việc nghiên cứu và nghiệm thu vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ hoàn tất. Hiện vắc xin sốt xuất huyết đã được lưu hành ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 quốc gia đã đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà.
Nói về hiệu quả của vắc xin sốt xuất huyết, Thạc sỹ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiệu quả phòng ngừa chung sau khi tiêm 3 mũi trong vòng 1 năm là 56,5%.

Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Công ty Sanofi Pasteur, vắc xin sốt xuất huyết có hiệu quả phòng ngừa lên đến gần 70% ở các đối tượng trên 9 tuổi và khả năng phòng ngừa sốt xuất huyết thể nặng lên đến gần 90%./.

>>> Phân tuyến để điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục